Tái cấu trúc hệ thống tài chính bước vào chặng nước rút

17:10 | 28/09/2022 Print
(TBTCO) - Công cuộc cải cách, tái cấu trúc hệ thống tài chính của Việt Nam hơn 10 năm qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, như phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu; khung khổ pháp lý được hoàn thiện; quy mô, sản phẩm, thanh khoản tăng nhanh; tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trước mắt và lâu dài vẫn còn không ít vấn đề chưa đạt kỳ vọng và đòi hỏi phải xử lý trong thời gian tới.

“Đập chuột nhưng không vỡ bình”

Đã hơn 10 năm kể từ khi cùng với sự tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam bước vào tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có chương trình tái cấu trúc hệ thống tài chính (Quyết định số 254/QĐ-TTg 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 1826/QĐ-TTg 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm; Quyết định số 339/QĐ-TTg 19/02/2013 phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020).

Nhìn lại chặng đường này, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính đã đạt được nhiều thành công và có ý nghĩa quan trọng.

Trước hết, hệ thống tài chính, nhất là hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tránh được đổ vỡ, nhất là trong những năm 2011-2013, với cách làm “đập chuột nhưng không vỡ bình” và trong điều kiện nguồn lực rất hạn chế. Hệ thống các TCTD dần trở nên lành mạnh hơn và về cơ bản vẫn đảm bảo cung cấp tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Sức chống chịu của hệ thống các tổ chức tài chính, ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây.
Sức chống chịu của hệ thống các tổ chức tài chính, ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây.

Hệ thống tài chính đồng thời cũng trở nên cân đối hơn. Sự phát triển thị trường vốn góp phần giảm thiểu bất đối xứng thông tin, đa dạng kênh đầu tư, giảm thiểu rủi ro “sai lệch kép” trong hệ thống ngân hàng. Thị trường chứng khoán đã đóng góp có ý nghĩa trong huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán được nâng về chất, nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư. Thị trường phái sinh hình thành và hoạt động khá sôi động. Các Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán đã và sẽ tiếp tục được cải tổ. Không chỉ quy mô, số nhà đầu tư có tổ chức và cá nhân tham gia, lượng giao dịch tăng rất đáng kể, mà khung khổ pháp lý (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,..) dần được hoàn thiện và đi vào cuộc sống. Bước phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán giúp đây trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Thị trường trái phiếu cũng đã có bước tiến nhiều ý nghĩa. Thị trường trái phiếu chính phủ đa dạng hơn, cả về loại hình và thời hạn trái phiếu, khá sôi động trên thị trường thứ cấp và thiết lập được đường cong lãi suất chuẩn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự bứt phá, trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng

Thiết lập kỷ luật thị trường, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ý nghĩa này, còn những vấn đề còn dang dở, chưa như kỳ vọng và mục tiêu đề ra. Về tổng thể, vốn trong nền kinh tế vẫn dựa “lệch” vào các tổ chức tín dụng. Nợ xấu vẫn còn là vấn đề nhức nhối, nhất là đang có nguy cơ gia tăng do khó khăn trong 2 năm đại dịch. Thể chế mới cho fintech, ngân hàng số chậm được hiện thực hóa.

Với thị trường chứng khoán, vẫn chưa giải quyết được các vấn đề đã tồn đọng nhiều năm như thông tin thiếu minh bạch; chất lượng quản trị còn yếu;… Tăng trưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp “nóng”, trong khi khung khổ pháp lý lại đang trong quá trình hoàn thiện.

Hiện nay, theo TS. Võ Trí Thành, trước các rủi ro nội tại của nền kinh tế như áp lực lạm phát, nguy cơ nợ xấu, tác động của các “sự cố”, “lùm xùm” không tốt trên thị trường chứng khoán, cách ứng xử thích hợp là tạo dựng niềm tin, thiết lập kỷ luật thị trường cùng ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện cho hệ thống tài chính vận hành bình thường, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Công cuộc tái cấu trúc vẫn cần tiếp tục thực thi

Với một nền kinh tế chuyển đổi và hội nhập sâu rộng như Việt Nam, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc khác nhau cũng như sự phát triển lành mạnh cùng bắt nhịp các xu hướng mới như chuyển đổi số, tài chính xanh… của cả hệ thống tài chính vẫn là thách thức lớn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những chuyển biến sâu sắc, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc cả nền kinh tế và hệ thống tài chính vẫn là một công cuộc phải được tiếp tục thực thi không ngơi nghỉ.

Dù không ít thách thức nhưng so với bối cảnh trước đây (như giai đoạn 2011-2013), sức chống chịu của hệ thống các tổ chức tài chính, ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn nhiều. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô vững vàng hơn và hiện vẫn tương đối ổn định. Kinh nghiệm điều hành chính sách tốt hơn trước đáng kể, như là sự phối hợp chính sách giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hay tính linh hoạt và kịp thời trong điều hành cung tiền…

Song như vậy là chưa đủ cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống tài chính. Công cuộc tái cấu trúc và cải cách hệ thống tài chính cần được đẩy mạnh. Nhìn rộng hơn, nó không chỉ bao gồm giải quyết các vấn đề tồn đọng nội tại của hệ thống tài chính, mà còn gắn chặt hơn với việc nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, quá trình tự do hóa tài chính và hội nhập tài chính, cũng như bắt nhịp với các xu hướng phát triển mới. Bên cạnh đó, cần đổi mới mô hình và cách thức giám sát tài chính - một yếu tố mang tính sống còn đối với sự vận hành hiệu quả, phát triển thị trường bền vững.

Các chương trình cải cách tới 2025 và cả chiến lược phát triển đến 2030 hệ thống tài chính Việt Nam đã được đề ra. Đó là một nền tảng quan trọng cho bước đi tiếp theo của các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách. Vấn đề là tốc độ, sự quyết liệt và bài bản trong thực hiện các chương trình và chiến lược đó. Một hệ thống tài chính phát triển, bền vững chính là một nhân tố đảm bảo thực hiện khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam