Sức khỏe tài chính của Gemadept (GMD) trước đợt phát hành tăng vốn nghìn tỷ

14:50 | 28/09/2022 Print
(TBTCO) - Công ty cổ phần Gemadept (mã cổ phiếu GMD, sàn HOSE) dự kiến sẽ thực hiện đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn thêm tới 1.000 tỷ đồng. Trước đợt phát hành “khủng”, nền tảng sức khỏe tài chính của đại gia ngành cảng biển này mạnh yếu ra sao đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư.

GMD và những tham vọng lớn

Gemadept đang rục rịch triển khai đợt phát hành cổ phiếu với quy rất lớn, với giá trị phát hành tính theo mệnh giá lên tới hơn 1.000 tỷ đồng và đợt phát hành này nếu được thực hiện đúng kế hoạch, vốn điều lệ của doanh nghiệp này sẽ tăng từ 3.014 tỷ đồng hiện nay lên 4.018 tỷ đồng. Với giá chào báo dự kiến 20.000 đồng/cổ phiếu, Gemadept có thể thu về một khoản tiền rất lớn lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Sức khỏe tài chính của Gemadept (GMD) trước đợt phát hành tăng vốn nghìn tỷ
Đợt tăng vốn dự kiến đưa vốn điều lệ của Gemadept đạt trên 4.000 tỷ đồng. Ảnh: T.L
“Sức khỏe tài chính” của Sabeco: Nợ giảm, lợi nhuận tăng cao ROS tăng vốn khống trước khi niêm yết là hành vi bị cấm theo quy định tại Luật Doanh nghiệp NCB được tăng vốn điều lệ lên 5,6 nghìn tỷ đồng

Theo kế hoạch, đại gia ngành cảng biển này sẽ dùng phần lớn số tiền thu được để đầu tư vào các công ty thành viên. Cụ thể, công ty sẽ dùng 1.000 tỷ đồng để tăng vốn góp vào Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link, để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2. 800 tỷ đồng sẽ được Gemadept dùng để tăng vốn góp vào Công ty cổ phần Cảng Nam Đình Vũ, nhằm thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và đầu tư mua sắm phương tiện thiết bị, xây dựng nâng cấp công trình phục vụ các hoạt động kinh doanh, vận hành của dự án cảng thủy nội địa. Số tiền còn lại sẽ được công ty dùng mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động kinh doanh.

Sở hữu cảng nước sâu trong Top 19 thế giới

Gemadept là chủ sở hữu cảng nước sâu Gemalink, nằm trong Top 19 cảng nước sâu hàng đầu thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 200.000 DWT.

Cảng này chính thức hoạt động từ tháng 1/2021, với sự kiện đón chuyến tàu thương mại đầu tiên thuộc tuyến JAX trên hải trình kết nối giữa châu Á với Mỹ đã cập cảng Gemalink. Siêu tàu của Hãng tàu CMA – CGM có tải trọng 165.375 DWT, chiều dài 365,5 m và sản lượng container xếp/dỡ đạt gần 8.500 Teus.

Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link là doanh nghiệp do Gemadept nắm 75% vốn, còn Công ty cổ phần Cảng Nam Đình Vũ do Gemadept nắm 60% vốn.

Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link là chủ đầu tư của dự án cảng Gemalink. Tổng vốn đầu tư của dự án tương đương 520 triệu USD, tương đương khoảng 12.200 tỷ đồng, bao gồm giai đoạn 1 là 330 triệu USD và đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2021; giai đoạn 2 dự kiến tiếp tục đầu tư khoảng 190 triệu USD. Khoản đầu tư nữa từ vốn huy động là giai đoạn 2 của cụm cảng Nam Đình Vũ đang được triển khai thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị, dự kiến giai đoạn 2 sẽ hoàn thành và sẵn sàng đưa vào khai thác vào đầu năm 2023, với công suất lên đến 1,2 triệu TEU có chiều dài cầu cảng gần 1km.

Sức khỏe tài chính của Gemadept (GMD) trước đợt phát hành tăng vốn nghìn tỷ
Gemadept sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 cho cảng Gemalink. Ảnh: T.L

Việc đưa ra kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các công ty này cho thấy đại gia này tiếp tục nuôi những tham vọng lớn trong việc bành trướng sức ảnh hưởng tại các cảng biển. Cụ thể trong mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, công ty này kỳ vọng có thể đạt lợi nhuận trước thuế gấp 3 lần so với lợi nhuận trước thuế của năm 2020 và mục tiêu phát triển bền vững, trường tồn.

Vài “điểm gợn” trong bức tranh tài chính

Nửa đầu năm 2022, Gemadept đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.858 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 654 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ. Các con số này cho thấy, Gemadept đang trên đường hiện thực hóa các mục tiêu, trước đó kế hoạch kinh doanh 2022 đề ra mức độ tăng trưởng 19% về mặt doanh thu và 24% về mặt lợi nhuận trước thuế so với thực hiện năm 2021.

Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Gemadept có được một phần do các yếu tố thuận lợi chung ngành cảng biển trong năm 2022. Trong đó, ngành cảng biển năm 2022 có được sự tăng trưởng cao do sự phục hồi các hoạt động giao thương sau dịch, nhưng sự tăng trưởng này chỉ dựa trên nền so sánh thấp trong cùng kỳ năm 2021 bởi năm ngoái là giai đoạn nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ do dịch bệnh Covid-19.

Một số khoản góp vốn vào công ty liên kết đang được dùng để cầm cố, bảo lãnh

Gemadept đã dùng 2.590.820 cổ phần của công ty mẹ trong Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn để đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Á châu – Chi nhánh Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Tân Bình.

Ngoài ra, công ty cũng đã thế chấp phần vốn góp tại Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link để đảm bảo cho khoản vay của chính Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link tại một ngân hàng thương mại liên quan đến khoản đầu tư Dự án cảng Cái Mép – Gemadept Terminal Link giai đoạn 1.

Trong cơ cấu tài chính, công ty có tỷ lệ nợ tương đối thấp, với nợ phải trả chỉ ở mức 3.628 tỷ đồng, vẫn thấp hơn khá nhiều so với 7.752 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Tuy vậy, nợ phải trả của Gemadept lại nằm nhiều ở nợ ngắn hạn, với quy mô nợ ngắn hạn lên đến 2.040 tỷ đồng.

Trong khi đó, cơ cấu tài sản của Gemadept lại có xu hướng nằm nhiều trong các nhóm tài sản dài hạn. Cụ thể, tổng tài sản của công ty có giá trị khá lớn với 11.380 tỷ đồng, nhưng giá trị tài sản dài hạn đã lên tới 9.357 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn chỉ có 2.023 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn theo đó thậm chí còn thấp hơn cả nợ ngắn hạn cùng thời điểm và đây có thể là một trong yếu tố đáng quan tâm đối với nhà đầu tư khi đánh giá về khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Bởi lẽ, tài sản dài hạn tuy có giá trị lớn nhưng tính thanh khoản của tài sản thấp và không thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền để đáp ứng các nhu cầu thanh toán trong ngắn hạn.

Ngoài ra, hoạt động tài chính của Gemadept cho thấy doanh nghiệp này cũng đang khá phiêu lưu trong các khoản đầu tư và chứng khoán. Giá trị đầu tư chứng khoán kinh doanh của công ty là hơn 45,7 tỷ đồng, nhưng phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh tới hơn 21,6 tỷ đồng. Các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh của Gmadept có khoản đầu cổ phiếu các Công ty cổ phần Thép Thủ Đức, Công ty cổ phần Khoáng sản Mangan và một số công ty khác.

Số tiền “hao hụt” trong các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh của Gemadept tuy không quá lớn so với quy mô doanh nghiệp này, nhưng tỷ lệ đầu tư phải trích lập dự phòng như trên ít nhiều thể hiện hiệu quả không tốt của các hoạt động tài chính thông thường của doanh nghiệp này./.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam