“Doanh nghiệp nhà nước mơ được cơ chế của doanh nghiệp tư nhân”

21:59 | 29/09/2022 Print
(TBTCO) - Theo ông Nguyễn Hồng Long, doanh nghiệp nhà nước có rất nhiều tầng lớp kiểm soát, phải xin ý kiến nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp nhà nước mơ được như cơ chế của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân thì mơ được tiếp cận nguồn lực như doanh nghiệp nhà nước”.
Đổi mới cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước Năm 2022, sẽ quản trị doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế kinh tế thị trường Hình thành khung quản trị doanh nghiệp nhà nước tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế

Ngày 29/9, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước”.

Chưa thực sự thừa nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước

Theo ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, hiện nay, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đóng góp hơn 29% GDP cả nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, thể hiện được vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của khối DNNN vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, kém hiệu quả…

Hội thảo
Hội thảo do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp tổ chức. Ảnh: Đức Minh
Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến cho rằng mặc dù khuôn khổ pháp lý về quản trị công ty của DNNN đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm qua, nhưng theo truyền thống, khuôn khổ quản lý vẫn tập trung nhiều hơn vào khuôn khổ quản lý vốn nhà nước và chỉ cho đến gần đây, các quy định này mới chú trọng đến việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khu vực nhà nước. Khuôn khổ pháp lý hiện hành coi DNNN là công cụ điều tiết nền kinh tế và chưa thực sự thừa nhận quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của DNNN.

TS. Tống Phương Dung, Cục Tài chính Doanh nghiệp nêu cụ thể về một số vướng mắc trong cơ sở pháp lý về quản trị công ty trong DNNN như: chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu; chủ sở hữu nhà nước can thiệp vào hoạt động của DN…

Chẳng hạn, theo quy định tại Luật số 69/2014/QH13, đối với công ty TNHH một thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định các vấn đề về huy động vốn; đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định… đối với các dự án đầu tư lớn. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, để có ý kiến và thực hiện quyền biểu quyết về các vấn đề quan trọng, người đại diện phần vốn nhà nước trong HĐQT/HĐTV cần báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, chấp thuận. Việc người đại diện phần vốn nhà nước phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi ra quyết định dẫn đến chi phí giao dịch cao và phát sinh trách nhiệm giải trình đối với hiệu quả của người đại diện.

Hay việc quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu được thanh tra đối với DN do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý (theo Luật Thanh tra) là không phù hợp với chủ trương tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.

Từ kinh nghiệm quản lý của mình, ông Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ, DNNN phải chịu nhiều sự giám sát, phải báo cáo, xin ý kiến quá nhiều, dẫn đến mất nhiều thời gian, không theo kịp diễn biến thị trường. Mọi kế hoạch đều phải xin ý kiến, dù có lãi nhiều hay ít thì mức lương cũng chỉ có vậy.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ nhấn mạnh, cần có sự đánh giá khách quan, công bằng về DNNN. DNNN có thể có lúc không hiệu quả bằng tư nhân, nhưng thực tế DNNN đang được khoác lên mình nhiều chức năng, nhiều mục tiêu, làm những việc mà DN khác không làm.

Cùng lúc đó, DNNN có rất nhiều tầng lớp kiểm soát, phải xin ý kiến, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của DN. “DNNN mơ được như cơ chế của DN tư nhân, DN tư nhân thì mơ được tiếp cận nguồn lực như DNNN. Đó là trong chán ngoài thèm” - ông Nguyễn Hồng Long so sánh.

“Doanh nghiệp nhà nước mơ được cơ chế của doanh nghiệp tư nhân”
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Nâng cao tính độc lập, chuyên nghiệp của ban kiểm soát

Một trong những vấn đề mà ông Nguyễn Hồng Long đề xuất, góp ý về quản trị DNNN là cơ chế giám sát độc lập. Theo ông Long, ban kiểm soát hiện chưa thực sự độc lập. Do đó, trước hết phải củng cố ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ để đảm bảo độc lập thực sự với bộ máy điều hành, có năng lực tốt. “Cả một tập đoàn mà ban kiểm soát chỉ có 4 - 6 người thì kiểm tra sao nổi. Muốn kiểm soát nội bộ tốt, đảm bảo an toàn vốn, phát triển hiệu quả thì năng lực của ban kiểm soát phải tốt, chuyên nghiệp, có thực quyền, nếu không sẽ dễ xảy ra tiêu cực, hay bị thao túng…” - ông Nguyễn Hồng Long nói.

Theo ông Hà Huy Tuấn - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, phải có hệ thống cụ thể riêng cho DNNN, bởi nếu áp những quy định cho DN thông thường với DNNN sẽ rất dễ bị “vênh”. Trong đó, đặc biệt những vấn đề như hệ thống quản trị, chính sách thuế… phải có cách tiếp cận riêng, với những hệ thống quy định, chế tài riêng cho DNNN.

Từ góc độ nhà nghiên cứu, ông Phạm Đức Trung - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, để quản trị tốt DNNN cần 7 yếu tố cơ bản. Trong đó, mỗi DNNN phải có mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng, tách bạch giữa mục tiêu chính trị xã hội với mục tiêu kinh doanh. Chủ sở hữu nhà nước cần thực hiện trách nhiệm của mình trên nguyên tắc năng động, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả. Khuôn khổ thể chế và pháp luật cần bảo đảm cho DNNN cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường khi tiến hành các hoạt động kinh doanh thông thường. Các cổ đông ngoài nhà nước tại DNNN đa sở hữu phải được đối xử công bằng…

Kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến nhận định, các vấn đề về quản trị DNNN đã có đủ căn cứ pháp lý, nhưng văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện chưa rõ ràng. Trách nhiệm đó là của cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm các bộ ngành, trong đó có trách nhiệm của Bộ Tài chính, với cơ quan thực hiện trực tiếp là Cục Quản lý tài chính doanh nghiệp. Tới đây, khi sửa Luật 69, những vấn đề DN đề xuất cần được đưa vào thể chế trong Luật. Cơ quan nhà nước xác định chỉ ban hành thể chế và giám sát thực hiện.

Hiện nay, DNNN có rất nhiều mô hình DN khác nhau, những mô hình như thế này không thể được quy định chi tiết hết, mà cơ quan quản lý nhà nước phải phân cấp lại cho đại diện chủ sở hữu quyết định. Đại diện chủ sở hữu cũng chỉ quyết định những việc như thành lập DN, cấp đủ vốn, đưa ra chiến lược, nhân sự… và trả lại DN, cho hội đồng quản trị, ban điều hành quyết định những vấn đề cụ thể trong hoạt động của DN.

Hoàn thiện khung pháp lý tiệm cận với thông lệ quốc tế

Theo ông Đặng Quyết Tiến, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty trong DNNN tiệm cận với thông lệ quốc tế theo định hướng và quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Trong đó, bao gồm việc sửa đổi Luật 69/2014/QH13.

Bên cạnh đó, cần thiết lập một khung quản trị công ty hướng tới đáp ứng các nguyên tắc về quản trị công ty hiệu quả của OECD. Theo đó Cục Tài chính doanh nghiệp đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và đưa ra Bộ Công cụ đào tạo quản trị công ty trong DNNN và Cẩm nang về quản trị công ty trong DNNN theo thông lệ quốc tế tốt nhất (dành cho công ty TNHH MTV).

Với công ty đại chúng đã có Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất dành cho công ty đại chúng tại Việt Nam, do IFC phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành tháng 8/2018.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam