Giải pháp quản lý hiệu quả thuế thương mại điện tử

09:02 | 30/09/2022 Print
(TBTCO) - Từ tình hình triển khai thực tế của các địa phương cho thấy, để công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đạt hiệu quả, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đối với hoạt động này; xây dựng kho dữ liệu của cơ quan thuế, tích hợp với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành chức năng liên quan, nhất là hệ thống ngân hàng và các nhà cung cấp mạng, viễn thông… phục vụ cho công tác quản lý thuế.

Việc thu thập thông tin còn hạn chế

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trương Công Khoái - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Đà Nẵng cho biết, thực hiện công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), từ đầu năm 2022, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo các phòng, chi cục thuế khu vực, quận thực hiện công tác quản lý thuế đối với hoạt động này và yêu cầu thực hiện rà soát, báo cáo kết quả định kỳ hàng tháng.

Giải pháp quản lý hiệu quả thuế thương mại điện tử
Công chức Cục Thuế TP. Đà Nẵng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: CTV.

Theo đó, tính đến thời điểm tháng 9/2022, tổng số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, môi trường mạng do Cục Thuế TP. Đà Nẵng đang quản lý thuế là 72,178 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thuế mà doanh nghiệp (DN) đã kê khai và nộp 69,377 tỷ đồng, tổng số thuế mà hộ cá nhân kinh doanh đã nộp 2,801 tỷ đồng.

Đồng thời, đơn vị xây dựng được cơ sở dữ liệu danh sách 335 website TMĐT của DN, 25 website TMĐT của cá nhân trên địa bàn phục vụ cho việc quản lý thuế và thực hiện kiểm tra, đối chiếu hồ sơ khai thuế.

Theo ông Trương Công Khoái, một số DN có trang web, tài khoản mạng xã hội riêng nhưng chỉ để giới thiệu các thông tin về DN. Việc xác định DN có thông qua trang web, mạng xã hội để thực hiện kinh doanh TMĐT hay không vẫn dựa trên phản hồi của DN. Ngoài ra, việc tìm kiếm dữ liệu liên quan đến hoạt động của các công ty thông qua việc truy cập vào website TMĐT của các công ty còn gặp nhiều khó khăn do có website chứa nội dung thông tin tiếng nước ngoài...

Bên cạnh những kết quả trên, theo ông Khoái, việc thu thập thông tin từ các DN rất khó khăn, nhiều DN cố tình trì hoãn hoặc không phối hợp trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến các khách hàng (viện dẫn nhiều lý do như bảo mật thông tin khách hàng, không thuộc trường hợp phải cung cấp thông tin...) hoặc cung cấp thông tin nhưng không đủ các nội dung cần thiết để thực hiện việc xác minh, đối chiếu về doanh thu cũng như địa chỉ của người nộp thuế (NNT).

Các thông tin, số liệu phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT do Cục Thuế TP. Đà Nẵng quản lý chủ yếu đến từ các sàn TMĐT.

Tuy nhiên, hầu như tất cả các sàn này đều nằm ở địa phương do các cục thuế khác quản lý, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nên việc đề nghị cung cấp dữ liệu gặp nhiều hạn chế.

Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã gửi công văn đề nghị cung cấp nhưng nhiều DN không phản hồi, công chức gọi điện liên lạc nhưng DN không hợp tác trong vấn đề cung cấp số liệu hoặc cung cấp số liệu không đầy đủ.

Giải pháp chống thất thu đối với hoạt động thương mại điện tử

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Đà Nẵng cũng kiến nghị, để việc cung cấp thông tin từ các sàn TMĐT được thuận lợi và thuận tiện cho DN trong việc cung cấp dữ liệu một lần, không chia nhỏ cho từng địa phương gây mất thời gian cho DN như tình trạng hiện nay, Tổng cục Thuế cần đứng ra làm đầu mối đề nghị các sàn TMĐT cung cấp thông tin về hoạt động TMĐT trên cả nước và phân bổ dữ liệu về cho các cục thuế để thực hiện việc rà soát, quản lý thuế.

Sau khi có thông tin, dữ liệu từ các sàn TMĐT, các đơn vị vận chuyển cung cấp, cục thuế sẽ tiếp tục giao cho các phòng, chi cục thuế khu vực, quận quản lý, đối chiếu với tình hình kê khai của các công ty này để thực hiện đưa vào giám sát trọng điểm. Đi cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cho NNT thực hiện việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động TMĐT.

Còn theo ông Trần Ngọc Linh - Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, để tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói chung, cũng như quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh TMĐT nói riêng, cần bổ sung quy định sàn giao dịch TMĐT tại Việt Nam phải thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho NNT là cá nhân kinh doanh.

Quy định này, trước mắt áp dụng với các sàn giao dịch lớn, có đội ngũ, bộ phận giao hàng riêng như Lazada, Tiki…, vì đặc thù các DN sở hữu sàn giao dịch này có bộ máy kế toán chuyên nghiệp, sử dụng ứng dụng điện tử để hạch toán kế toán, quản trị kế toán, kê khai thuế, nộp thuế.

Giải pháp quản lý hiệu quả thuế thương mại điện tử
Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Văn Nam.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có quy định bổ sung về việc cá nhân kinh doanh đăng ký thuế, kê khai thuế tại cơ quan thuế địa phương phải xuất trình tài liệu, hồ sơ chứng minh phần doanh thu, thuế của mình đã nộp cho từng sàn giao dịch.

Đồng thời, bổ sung quy định chi tiết về trách nhiệm, quyền lợi ngân hàng, tổ chức tài chính chuyên trách chuyển tiền cung cấp thông tin thu thập của cá nhân nhận tiền từ các nguồn chi trả là các nền tảng, web, Google, Facebook, Zalo, Youtube...

“Đối với bộ máy quản lý thuế, thiết lập cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan thuế địa phương có bộ phận thu thập thông tin cá nhân kinh doanh có hoạt động TMĐT, phân loại dữ liệu, xác định rủi ro thuế để thực hiện quản lý thu thuế cá nhân kinh doanh có hoạt động TMĐT hiệu lực, hiệu quả; xây dựng tài liệu tuyên truyền về thuế đối với cá nhân kinh doanh đặc biệt là cá nhân kinh doanh TMĐT, nền tảng số bao gồm nghĩa vụ thuế, xử lý vi phạm về thuế (cả xử lý hình sự về thuế)...”- ông Linh cho hay.

Quản lý thuế thương mại điện tử, hướng tới đối tượng cá nhân kinh doanh

Theo ông Trần Ngọc Linh, trong những năm gần đây, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, trong đó hướng tới đối tượng NNT là các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh. Cục thuế có nhiều kế hoạch, chuyên đề để tập trung tổ chức thực hiện như: Tuyên truyền, vận động NNT có hoạt động TMĐT đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, thực hiện rà soát thông tin từ các tổ chức có liên quan như ngân hàng, sàn giao dịch TMĐT, DN sở hữu App vận chuyển, giao nhận…

Kết quả về số thu thuế từ cá nhân kinh doanh có hoạt động TMĐT qua kê khai, kê khai bổ sung điều chỉnh và qua truy thu, phạt trong năm 2021 là trên 122 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2022 là trên 140 tỷ đồng (tăng 14,75%).

Đức Việt

© Thời báo Tài chính Việt Nam