Cơ hội mới để thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động chất lượng hơn

14:40 | 30/09/2022 Print
(TBTCO) - Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã chính thức được ban hành, tạo hành lang rõ ràng hơn để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, chất lượng hơn. Các chuyên gia cho rằng, kênh huy động này sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của doanh nghiệp khi mặt bằng lãi suất sẽ tăng và các kênh huy động vốn khác đang trong giai đoạn khó khăn; tuy nhiên, cơ hội chỉ sẽ đến với những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cơ hội để thị trường sàng lọc những yếu tố không tốt

Nhiều chuyên gia đều chung ý kiến khi cho rằng, Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn tốt hơn, chất lượng hơn qua kênh phát hành trái phiếu, đồng thời sẽ góp phần tích cực để thị trường này phát triển lành mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Thái Thị Việt Trinh - Chuyên gia phân tích, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, Nghị định 65 có nhiều quy định mới, nhưng có thể chia thành 4 nhóm quy định chính. Theo đó, đối với các doanh nghiệp phát hành, Nghị định 65 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ phát hành cũng như các yêu cầu về công bố thông tin của các doanh nghiệp. Đối với nhà đầu tư, nghị định có các điều khoản nhằm siết chặt hơn việc giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, kể cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Nguồn: Fiinpro,BSC Researche.
Nguồn: Fiinpro,BSC Researche.

Cùng với đó, đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian, Nghị định 65 đã quy định một cách rõ ràng hơn về trách nhiệm của tất cả các đối tượng tham gia thị trường. Ngoài ra, đối với việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, nghị định mới đã yêu cầu tất cả những trái phiếu phát hành riêng lẻ sẽ phải được lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đưa ra một lộ trình cụ thể cho việc giao dịch trên thị trường thứ cấp các trái phiếu này ở trên sở giao dịch.

“Chúng tôi cho rằng, khung pháp lý mới đưa ra sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch và bền vững hơn, khi các yêu cầu về công bố thông tin chặt chẽ hơn và giúp thị trường lọc bỏ những nhân tố không tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ cần thời gian để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mục đích nghiêm túc có thể chứng minh cho nhà đầu tư thấy sự hấp dẫn trở lại của kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp” – bà Thái Thị Việt Trinh cho hay.

Sẽ giải tỏa “cơn khát vốn” cho những nhà phát hành chân chính

Nhiều chuyên gia đều có đánh giá tích cực về các điều khoản được sửa đổi bổ sung trong Nghị định 65, tuy nhiên, giới chuyên môn cũng thừa nhận rằng, quy định mới sẽ không “cởi mở” với những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính kém, mục đích sử dụng vốn không rõ ràng và thông tin kém minh bạch.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Nghị định 65 đã bổ sung, sửa đổi chặt chẽ hơn những điều kiện về hồ sơ chào bán trái phiếu, về việc giám sát phát hành trái phiếu, việc công bố thông tin và phương thức phát hành,… Các quy định mới trong Nghị định 65 liên quan đến chi phí phát hành, kiểm toán, đại diện sở hữu trái phiếu và công bố thông tin cũng làm tăng chi phí cho các đợt phát hành riêng lẻ. “Những điều này hạn chế những doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn phát hành trái phiếu, nhưng sẽ thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của thị trường trái phiếu doanh nghiệp” – Chuyên gia của BSC cho hay.

Đánh giá về Nghị định 65/2022/NĐ-CP, các chuyên gia của FiinRatings cũng cho rằng, nghị định sẽ phần nào giúp giải tỏa “cơn khát vốn” cho thị trường trong thời gian tới, song thị trường cần có đủ thời gian để làm quen với quy định và khẩn trương thực hiện các hoạt động phát hành nhằm đáp ứng nhu cầu vốn.

Áp lực trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn lớn

“Nghị định 65 cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó (không bao gồm các công ty con/liên kết). Điều này tích cực đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh tiếp cận nguồn vốn tín dụng ở thời điểm hiện tại khó khăn do hệ thống ngân hàng cạn kiệt room tín dụng. Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2023 - 2024, mỗi năm sẽ có gần 400 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, với tỷ trọng lớn nhất đến từ nhóm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Áp lực trả nợ của các doanh nghiệp vẫn là vấn đề lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản” – Chuyên gia của BSC.

Do đó, các chuyên gia của FiinRatings dự báo, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ chỉ tăng mạnh trở lại kể từ năm sau, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Theo quan điểm của các chuyên gia FiinRatings, các quý sắp tới được dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn để các doanh nghiệp xoay xở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu. Việc đáp ứng nghĩa vụ nợ sắp tới sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục leo thang, làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thâm dụng vốn nhưng gặp trở ngại tiếp cận dòng vốn tín dụng như bất động sản.

Bà Thái Thị Việt Trinh cũng chia sẻ, thông thường, các doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian sẽ cần khoảng 1 - 2 quý để có thể điều chỉnh kế hoạch và hồ sơ phát hành của mình, nhằm phù hợp với các quy định luật pháp. Do vậy, diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn còn lại của năm 2022 được kỳ vọng sẽ khá im ắng.

“Lãi suất có xu hướng tăng cũng khiến các doanh nghiệp cần phải xem xét kĩ hơn kế hoạch phát hành của mình nhằm hạn chế tối đa gánh nặng lên chi phí tài chính. Các nhà đầu tư cũng cũng cần thời gian để lấy lại niềm tin vào kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp” – bà Việt Trinh nói.

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam