Quảng Ninh tăng tốc hoàn thành kế hoạch năm 2022:

Bài 2: Thu ngân sách nhà nước nhiều khởi sắc

10:30 | 02/10/2022 Print
(TBTCO) - 9 tháng năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 40.630 tỷ đồng (bằng 77% dự toán, bằng 101% kịch bản và bằng 121% cùng kỳ năm 2021). Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh; nỗ lực của các ngành, địa phương.

Tín hiệu vui từ thu thuế xuất nhập khẩu

Theo báo cáo của Sở Tài chính Quảng Ninh, trong số thu NSNN 40.630 tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu (XNK) đạt 10.800 tỷ đồng (bằng 102% dự toán tỉnh giao, bằng 115% kịch bản, bằng 153% cùng kỳ). Như vậy là đến thời điểm này, số thu XNK "về đích" sớm trước 3 tháng so với kịch bản đề ra.

Thu XNK tăng cao so với tốc độ thu bình quân được xác định do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phát sinh khó khăn về mặt tài chính dẫn đến không đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Vì vậy, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải tăng lượng xăng dầu nhập khẩu trong quý I/2022 so với kế hoạch nhập khẩu ban đầu; tình hình chiến sự tại Nga - Ukraine ảnh hưởng đến nguồn cung than trên thế giới, khiến tăng lượng than xuất khẩu sản xuất trong nước có chất lượng cao.

Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh XNK, chống thất thu và tăng thu NSNN, nhất là trong bối cảnh hoạt động XNK khu vực cửa khẩu đường bộ bị “đóng băng” suốt thời gian dài do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Ngay từ đầu năm, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã giao chỉ tiêu thu NSNN cụ thể đến từng đơn vị. Hàng tháng, cục yêu cầu các đơn vị đánh giá tiến độ thực hiện các giải pháp, kịch bản đề ra để có điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế. Tổ quản lý tăng thu NSNN cũng được cục thành lập nhằm hỗ trợ các chi cục trong công tác thu NSNN.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, bám sát kế hoạch XNK của doanh nghiệp, đánh giá tình hình kinh tế - chính trị thế giới, Việt Nam cũng như những tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động XNK để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Dự kiến hết năm 2022, thu NSNN trong lĩnh vực XNK đạt 13.000 tỷ đồng (đạt 122,6% so với kịch bản đã xây dựng).

Thu nội địa có nhiều chuyển biến tích cực

Đối với thu nội địa, dự kiến hết tháng 9 đạt khoảng 29.000 tỷ đồng và phần lớn các khoản thu đều giữ nhịp tăng trưởng cao. Một trong những khoản thu đạt cao nhất là từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương quản lý với số thu đạt gần 11.000 tỷ đồng (bằng 79% dự toán, bằng 100% kịch bản, bằng 110% cùng kỳ 2021).

Kết quả đạt được do tình hình sản xuất kinh doanh của ngành than, điện đều đảm bảo. Đây đều là những ngành đóng góp rất lớn vào ngân sách địa phương, giữ vai trò trụ cột của ngành Công nghiệp đối với sự ổn định phát triển của tỉnh. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nộp gần 8.500 tỷ đồng (bằng 83% dự toán); Tổng công ty Đông Bắc nộp trên 1.220 tỷ đồng (bằng 74% dự toán); thu từ các nhà máy điện là 760 tỷ đồng (bằng 68% dự toán).

Bài 2: Thu ngân sách Nhà nước nhiều khởi sắc
Ngành Du lịch Quảng Ninh đã có những tín hiệu tích cực. Ảnh: HK

Ngoài ra, còn 12 khoản thu khác cũng đáp ứng tiến độ, trong đó nhiều khoản thu vượt tốc độ thu bình quân, như: Thu từ khu vực DNNN do địa phương quản lý (đạt 103%), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (106%), thuế thu nhập cá nhân (100%), lệ phí trước bạ (101%), thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (123%), thuế bảo vệ môi trường (100%), thu phí và lệ phí (113%), hoạt động xổ số kiến thiết (101%), các khoản thu tại xã (125%), thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế (1.468%), thu khác ngân sách (104%), thu cấp quyền khai thác khoáng sản (132%).

Đặc biệt, phân theo địa bàn quản lý, nhiều địa phương đã vượt thu, như: Quảng Yên (121%), Vân Đồn (99%), Đầm Hà (106%), Ba Chẽ (93%), Đông Triều (90%), Cô Tô (92%), Hải Hà (85%), Uông Bí (85%).

Theo nhận định của Cục Thuế Quảng Ninh, ngay khi du lịch mở cửa hoàn toàn vào tháng 3/2022, tỉnh tập trung phát triển mạnh ngành Du lịch, đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông động lực và có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp..., đã kích thích các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó là sự quyết liệt của tỉnh trong chỉ đạo thực hiện các kế hoạch quản lý ngân sách, thuế trên các lĩnh vực. Các sở, ban, ngành và địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các doanh nghiệp đưa dự án mới đi vào hoạt động.

Đồng thời, tăng sản lượng, năng lực sản xuất, nhất là các ngành: Than, điện, các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế.

Tích cực tuyên truyền các kế hoạch, chính sách thuế đến doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai và kế toán thuế; thường xuyên kiểm tra tình hình kinh doanh, hồ sơ kê khai thuế; đôn đốc công tác thu hồi nợ thuế. Do đó, công tác thu NSNN của cơ quan thuế đã có những tác động tích cực.

Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường thực hiện 6 kế hoạch của UBND tỉnh về quản lý thuế, gồm: Kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, căn hộ du lịch, cho thuê mặt bằng kinh doanh; khai thác khoáng sản; xây dựng; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh bất động sản; hoạt động vận tải.

Bài 2: Thu ngân sách Nhà nước nhiều khởi sắc
Một góc TP Hạ Long.

Các đơn vị chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Than, tạo điều kiện tốt nhất để ngành Than tận dụng cơ hội thị trường, tăng tối đa sản lượng, đóng góp vào tăng trưởng và thu ngân sách và tiếp tục đề xuất Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ưu tiên huy động điện từ các nhà máy trên địa bàn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho hoạt động sản xuất của khu con công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT).

Để có kết quả này, ngay từ những ngày đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm hoàn thành mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2022 đạt trên 11%, tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng. Nhiều giải pháp hiệu quả đã được tỉnh triển khai nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh, an dân, an ninh, trật tự xã hội, vừa duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển KT-XH.

Trong đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều quyết sách đúng đắn, triển khai kịp thời, nhanh chóng, đúng thời điểm để phục hồi mạnh mẽ, vững chắc ngành du lịch; quyết liệt chỉ đạo công tác điều hành thu - chi ngân sách năm 2022.

Tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu NSNN; triệt để tiết kiệm các khoản chi để tăng chi đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người, giáo dục, y tế, nhất là đầu tư phát triển giáo dục đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố hệ thống y tế ở cơ sở;

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Tường Văn tăng cường điều hành ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao nỗ lực của các ngành, các địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước vượt kịch bản và kế hoạch, tuy nhiên cơ cấu thu chưa đáp ứng được mục tiêu mà tỉnh đã đề ra và vẫn còn một số địa phương chưa đạt kế hoạch thu.

Để triển khai công tác điều hành thu - chi ngân sách nhà nước các tháng cuối năm và năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường thu các khoản thu từ thuế, phí, đặc biệt là đối với các khoản thu chưa đạt.

Với những kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2022, Quảng Ninh hoàn toàn có thể tự tin vào việc hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) cả năm đạt trên 11%, tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng đã đặt ra từ đầu năm./.

Trong 9 tháng năm 2022, môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được cải thiện tốt, thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đầu tư tại Quảng Ninh. Tiêu biểu như Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và đối tác là Tập đoàn Geely (Trung Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy lắp ráp ô tô tại KCN Bắc Tiền Phong; Công ty TNHH Samsong Vina (Hàn Quốc) tìm hiểu đầu tư tại KCN Sông Khoai; Tập đoàn Wish U Success (Đài Loan) nghiên cứu triển khai đầu tư Dự án bán dẫn, vi mạch tại KCN Nam Tiền Phong và Bắc Tiền Phong; Tập đoàn SKODA (Cộng hòa Séc) và Tập đoàn Thành Công nghiên cứu hợp tác thực hiện dự án phân phối và sản xuất, lắp ráp xe ô tô tại KCN Việt Hưng; Tập đoàn Stavian và Công ty CP Cảng hàng lỏng Yên Hưng (Việt Nam) nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy hóa dầu Stavian Quảng Yên tại KCN Bắc Tiền Phong...

Lan Hương

© Thời báo Tài chính Việt Nam