Ngành Giao thông vận tải: Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư

14:22 | 30/09/2022 Print
(TBTCO) - 3 tháng cuối năm 2022, ngành Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư, đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, cũng đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm khởi công các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2...

Cần tiếp tục giải ngân 23.368 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể mới chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư những tháng cuối năm 2022. Theo đó, các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư có trách nhiệm tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, các đơn vị có kết quả giải ngân kế hoạch dưới mức trung bình của cả bộ kiểm điểm làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, đối với từng dự án chậm tiến độ; nghiêm túc rút kinh nghiệm. Ngoài ra, các đơn vị cần rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2022 để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, chia cắt gây lãng phí nguồn lực và chậm trễ trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung giải ngân cho các dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Dũng Trí
Tập trung giải ngân cho các dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Dũng Trí

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ triển khai các công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, công tác thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu để làm cơ sở đẩy mạnh giải ngân các dự án có kế hoạch năm 2022 còn lại, tập trung tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành, cơ bản hoàn thành trong năm 2022. Cụ thể như các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án đường sắt cấp bách, kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc...

Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết với từng công việc cụ thể để đẩy nhanh tiến độ, sớm giải ngân hết kế hoạch năm 2022 đã bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng của 12 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Đến hết tháng 9/2022, Bộ GTVT giải ngân 26.960 tỷ đồng (53,6%). Từ nay tới cuối năm 2022, toàn ngành GTVT cần tiếp tục giải ngân 23.368 tỷ đồng (46,4%). Trong đó, tập trung ở các nhóm dự án: 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 cần giải ngân khoảng 8.335 tỷ đồng (chủ yếu cho cho công tác giải phóng mặt bằng – GPMB); 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 cần giải ngân khoảng 5.106 tỷ đồng; Các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.788 tỷ đồng; các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân 1.925 tỷ đồng.

Tăng tốc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Cùng với đẩy mạnh công tác giải ngân, Bộ GTVT cũng quyết liệt công tác chuẩn bị nhằm sớm khởi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2. Hiện tại, tất cả các dự án thành phần đã ký hợp đồng tư vấn khảo sát, thiết kế lập thiết kế kỹ thuật và tư vấn thẩm tra. Về công tác GPMB, 7 dự án đang triển khai với mức độ hoàn thành từ 84% - 97%. Các địa phương cũng đang đồng thời xác định vị trí các khu tái định cư và triển khai các thủ tục thu hồi đất, xây dựng khu tái định cư.

Cũng theo Bộ GTVT, để chủ động về nguồn vật liệu, các ban quản lý dự án (QLDA) đang chỉ đạo tư vấn triển khai khảo sát mỏ vật liệu bảo đảm việc cung cấp số liệu cho công tác thiết kế theo từng đợt. Hiện, có 2/12 dự án hoàn thành công tác khoan khảo sát hiện trường (Vạn Ninh - Cam Lộ, Cần Thơ - Hậu Giang), 10/12 dự án dự kiến hoàn thành khảo sát hiện trường trong tháng 9/2022. Công tác rà soát, khảo sát bổ sung xác định trữ lượng, chất lượng các mỏ vật liệu và làm việc với địa phương để bảo đảm đủ trữ lượng cho dự án cũng đang được triển khai. Trong đó, 4/12 dự án đã hoàn thành khảo sát (Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Vân Phong - Nha Trang). Các dự án còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2022.

Triển khai thi công đồng loạt dự án cao tốc Bắc - Nam

Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có tổng chiều dài khoảng 729 km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Theo yêu cầu, dự án phải khởi công trước ngày 31/12/2022, triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2022.

Để tháo gỡ khó khăn về định mức, đơn giá, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xem xét hướng dẫn các địa phương xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng đối với các loại vật liệu xây dựng có trên địa bàn, giá vật liệu khai thác tại mỏ (đối với các vật liệu xây dựng khai thác tại các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án) được sử dụng để thực hiện các gói thầu/dự án thành phần; công bố giá cước vận chuyển trên địa bàn.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, các địa phương rà soát, đánh giá tổng thể trữ lượng nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long để có phương án khai thác bảo đảm nguồn cung cấp cho các dự án. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam