Hà Nội: Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 72,3%

16:23 | 30/09/2022 Print
(TBTCO) - Theo Sở Công thương Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 của thành phố ước tính đạt 60,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 72,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội: Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 72,3%
Hà Nội: Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 72,3%. Ảnh: Q.Trí

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 36,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 42,9%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 9,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% và gấp 3,8 lần cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và gấp 81 lần cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 11,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 74,2%.

Ước tính quý III/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố đạt 176 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với quý trước và tăng 82,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 3% và tăng 45,9%; khách sạn, nhà hàng tăng 17,4% và gấp 5,3 lần cùng kỳ; du lịch lữ hành tăng 96,7% và gấp 41,9 lần; dịch vụ khác giảm 6,3% và tăng 99,9%.

Có được kết quả trên là do các cấp, các ngành của Hà Nội đã chủ động tích cực thực hiện tốt việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu, du lịch, văn hóa, thể thao được đẩy mạnh đã góp phần tăng trưởng ngành dịch vụ.

Cũng theo Sở Công thương, tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 512 nghìn tỷ đồng, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 325,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng mức và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước (doanh thu đá quý, kim loại quý tăng 41,8%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 37,5%; ô tô con tăng 29,2%; xăng dầu tăng 26,4%; hàng may mặc tăng 26,3%; phương tiện đi lại tăng 23,1%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 19,8%).

Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 66,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13% tổng mức và gấp 2,3 lần cùng kỳ (dịch vụ lưu trú đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,7% và tăng 79,6%; nhà hàng đạt 62,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% và gấp 2,3 lần cùng kỳ). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 11 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,2% và gấp 5,1 lần cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ khác đạt 108,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,2% và tăng 30% (giáo dục tăng 44,7%; dịch vụ cho thuê máy móc thiết bị tăng 33,7%; dịch vụ hành chính, văn phòng tăng 26,8%; dịch vụ vệ sinh nhà cửa tăng 23,8%; dịch vụ y tế tăng 15,5%)./.

Quốc Trí

© Thời báo Tài chính Việt Nam