3 địa phương cam kết tiến độ dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

13:56 | 01/10/2022 Print
(TBTCO) - Các địa phương: TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên đã ký kết giao ước thi đua thực hiện Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị, tinh thần chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền 3 địa phương, tất cả vì thành công của dự án.
3 địa phương cam kết tiến độ dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Lễ ký kết giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: V.Thành

Chiều 30/9, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Ký kết giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ

Sau khi công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban chỉ đạo, đã phát động phong trào thi đua thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thống nhất, thi đua đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB, tái định cư phục vụ thi công của dự án”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, tiến độ thực hiện công tác GPMB, tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô thì công tác GPMB, tái định cư là vô cùng quan trọng, có thể nói đây chính là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án.

Với tầm quan trọng đó, thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp của 3 địa phương để triển khai dự án. Mỗi tỉnh, thành đều đã ban hành kế hoạch của địa phương mình để triển khai thực hiện; trong đó thống nhất xác định phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, với quy mô và tầm quan trọng của dự án, qua tính toán có thể thấy diện tích đất cần GPMB là rất lớn.

Cụ thể, tổng diện tích đất cần thu hồi để triển khai dự án là 1.341 ha, trong đó: TP. Hà Nội cần thu hồi khoảng 741 ha tại địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín).

Tỉnh Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 326 ha tại địa bàn của 4 huyện, thành phố (Thuận Thành, Quế Võ, TP. Bắc Ninh, Gia Bình). Tỉnh Hưng Yên cần thu hồi khoảng 274 ha tại địa bàn của 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm).

Do đó, việc cam kết tiến độ và ký kết giao ước thi đua trong công tác GPMB, tái định cư là rất quan trọng và cần thiết.

"Phong trào thi đua nhằm thúc đẩy, khích lệ, động viên các cấp, các ngành của 3 địa phương cùng nỗ lực, phấn đấu triển khai các nhiệm vụ; đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp và phát huy trí tuệ tập thể trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn 3 tỉnh nhằm đảm bảo tiến độ dự án mà trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã tin tưởng giao cho 3 tỉnh" - ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

3 địa phương cam kết tiến độ dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ảnh: V.Thành

Cần làm tốt công tác tuyên truyền

“Thay mặt Ban chỉ đạo triển khai dự án, tôi kêu gọi các đồng chí ra sức thi đua lập thành tích đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn của từng địa phương, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng, tuân thủ các quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí: Phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023 để thi công xây dựng công trình” - ông Đinh Tiến Dũng.

Để các nội dung cam kết về tiến độ, cũng như giao ước thi đua được triển khai có hiệu quả, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp, các ngành của 3 tỉnh, thành phố quán triệt và tập trung thực hiện 7 nội dung quan trọng.

Trong đó, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, nơi có dự án đi cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước về cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhất là quán triệt sâu sắc sự cần thiết, cấp bách của việc sớm GPMB đầu tư dự án làm cơ sở cho các địa phương công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có đất bị ảnh hưởng biết, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong việc thu hồi, bồi thường GPMB.

Các địa phương cùng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường cải cách hành chính, duy trì hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, chống tiêu cực, lãng phí trong sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện…

Trên cơ sở giao ước thi đua, các quận, huyện, xã, phường thuộc Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh cần chủ động xây dựng tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị - xã hội của từng địa phương, cá nhân gắn với thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, gắn với công tác xác định nguồn gốc đất, kiểm kê tài sản trên đất, lập phương án, công khai và phê duyệt phương án...

Thống nhất 6 nội dung giao ước chung, 3 nội dung thi đua cụ thể

Sau khi Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày bản Giao ước thi đua thực hiện công tác GPMB và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, lãnh đạo 3 địa phương: thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên đã bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với 6 nội dung giao ước chung, 3 nội dung thi đua cụ thể.

Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm theo đúng Chủ trương đầu tư đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và Chính phủ chỉ đạo triển khai tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022.

Theo đó, lãnh đạo 3 địa phương thống nhất, việc xây dựng, trình UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh cơ chế chính sách áp dụng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bổ sung danh mục kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xong trong tháng 10/2022; tổ chức lập, phê duyệt, cắm mốc GPMB và bàn giao ranh giới GPMB cơ bản hoàn thành trong tháng 10/2022 và hoàn thành toàn bộ chậm nhất trong tháng 11/2022; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất và GPMB, tái định cư xong toàn dự án đầu tư hoàn thành tháng 12/2023.

Về bàn giao mặt bằng, lãnh đạo 3 địa phương thống nhất: Tháng 6/2023, phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng để khởi công công trình. Tháng 12/2023, cơ bản bàn giao mặt bằng đối với toàn tuyến của dự án. Phấn đấu khởi công công trình vào tháng 6/2023; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2027.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, tỉnh Bắc Ninh cũng đã thành lập ban chỉ đạo, trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. 4 huyện, thành phố có dự án đi qua cũng đã thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tới đây, Tỉnh ủy sẽ có hội nghị chuyên đề về dự án này, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận cao đối với dự án, hạn chế thấp nhất đơn thư và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định quyết tâm sẽ triển khai công tác GPMB đúng tiến độ; đồng thời kiến nghị Ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ duy trì họp thường xuyên, định kỳ để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Trên tinh thần thống nhất và ý chí quyết tâm cao, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên cùng chủ tịch UBND 15 quận, huyện, thành phố của 3 địa phương đã ký Giao ước thi đua thực hiện công tác GPMB và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với các nội dung như trên./.

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam