Dịch vụ ngân hàng: Đổi mới công nghệ đối mặt với thách thức tội phạm mới

08:22 | 03/10/2022 Print
(TBTCO) - Việc tăng tốc các giải pháp công nghệ là yếu tố được các ngân hàng đặt nhiều kỳ vọng để tạo nên một “cú đột phá”, gia tăng hiệu quả kinh doanh và đa dạng hóa dịch vụ. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đang phải đối diện với những thách thức mới trước tình trạng tội phạm gia tăng, đặc biệt, tội phạm thường khai thác vào điểm yếu là sự thiếu cảnh giác của người dân.

Sức ép đổi mới công nghệ

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành, nhưng vẫn phát đi thông điệp sẽ cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Trong đó, một trong những yếu tố được ngành Ngân hàng đặt nhiều kỳ vọng là việc đổi mới công nghệ để tăng hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí.

Thực tế cho thấy, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay đang thu hẹp dần. Theo thống kê của NHNN, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,4 - 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,1% - 6/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,5 - 6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,3 - 6,7%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Đa dạng các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ.
Đa dạng các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ.

Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8 - 9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm). Với mặt bằng lãi suất như hiện tại, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay thương mại chỉ còn ở mức khoảng dưới 3%, chưa kể lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trở lên.

Bối cảnh này cho thấy, các ngân hàng đang phải xoay xở để tìm kiếm giải pháp bù đắp lãi suất, tiết giảm chi phí. Mới đây sau khi NHNN điều chỉnh tăng trần lãi suất huy động, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN, cũng cho biết sẽ vận động các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.

Trong ứng dụng công nghệ nói chung, việc đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán là con đường mà các ngân hàng quan tâm, nhằm tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của người dân, nhờ đó cải thiện biên lãi thuần. Số liệu từ NHNN cho thấy, 7 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 78% về số lượng và 29,3% về giá trị. Trong đó, thanh toán qua Internet tăng tương ứng 68,5% và 31,6%; qua điện thoại di động tăng 97,8% và 84,2%; qua QR code tăng 100,9% và 142,5%; giao dịch qua POS tăng 36,56% và 38,69%. Giao dịch qua ATM tăng chậm chí chỉ 3,83% và 6,61%, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử.

Rủi ro gia tăng tội phạm

Sự gia tăng của hoạt động thanh toán điện tử và các ứng dụng công nghệ ngân hàng mặc dù đã tạo thuận lợi đáng kể cho các ngân hàng tiết giảm chi phí và góp phần gia tăng tiện ích cho người dân. Nhưng đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm khai thác. Trong đó, tội phạm thường đánh vào sự mất cảnh giác của người dân và doanh nghiệp.

Vừa qua, Công an TP. Hải Phòng cảnh báo trên địa bàn TP. Hải Phòng và một số địa phương trong cả nước xuất hiện tình trạng các đối tượng làm giả và sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan tổ chức để đăng ký mở nhiều tài khoản ở ngân hàng với tên chủ tài khoản mạo danh, sau đó sử dụng những tài khoản này để giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng. Nhiều hoạt động chuyển tiền được dùng cho các loại phạm tội như rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền hỗ trợ cho các đối tượng, tổ chức hoạt động chống đối chính quyền gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia… Đồng thời, đây cũng là phương tiện để tội phạm ngân hàng gây mất an ninh an toàn trong lĩnh vực ngân hàng. Ngoài ra, cơ quan công an cũng cảnh báo người dân cần quản lý hình ảnh thẻ căn cước công dân gắn chíp, không nên để ảnh giấy tờ cá nhân “lưu lạc” trên môi trường mạng, vì rất dễ bị tội phạm lợi dụng.

Người dân cần cảnh giác quản lý ảnh chụp giấy tờ cá nhân

Theo thông báo của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, thời gian qua đã có một số đối tượng dùng ảnh chụp căn cước công dân để thực hiện vay tiền qua các ứng dụng vay tiền online. Cơ quan công an cho biết, trong trường hợp phát hiện bị lừa lấy thông tin căn cước công dân để đi vay tiền thì người dân cần nhanh chóng thông báo với đơn vị cho vay, đồng thời liên hệ đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ nhanh nhất. Trường hợp bị các đối tượng lợi dụng lấy số căn cước công dân để đi đăng ký mở tài khoản ngân hàng hay đăng ký thuê bao trả sau thì người dân cũng cần nhanh chóng liên hệ đến ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ.

Thực chất, các loại hình tội phạm tương tự như trên không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Ông Võ Tấn Long - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho biết, nếu không có cách tiếp cận đúng đắn, rủi ro do các hành vi gian lận gây ra có thể khiến doanh nghiệp trả giá đắt, không chỉ về mặt tài chính mà còn có nỗ lực của ban quản trị để tái thiết lại hoạt động kinh doanh.

Riêng với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, PwC cũng đưa ra cảnh báo cho biết, trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng trở thành một kho lưu trữ khổng lồ mà nếu ngân hàng và các tổ chức, cá nhân không có biện pháp bảo vệ tương xứng, đúng cách thì sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi để tội phạm lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ra hậu quả khôn lường cho cá nhân và tổ chức.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam