Thị trường chứng khoán:

VN-Index có thể có những nhịp hồi phục ngắn sau đợt giảm sâu

08:21 | 03/10/2022 Print
(TBTCO) - Ngoài việc bị ảnh hưởng chung theo thế giới, thị trường chứng khoán cũng đang phản ánh các yếu tố vĩ mô không thực sự thuận lợi. Tuy nhiên, do VN-Index đã giảm nhiều tháng liên tiếp, với mức giảm 26% từ tháng 4, nên thị trường có thể có những nhịp hồi phục ngắn hạn. Đây là chia sẻ về diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước thời gian tới của bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích cổ phiếu, Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư – Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa bà, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã trải qua tháng 9 đầy khó khăn và biến động lớn. Bà có đánh giá thế nào về TTCK tháng qua? Đâu là nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh như vậy?

VN-Index có thể có những nhịp hồi phục ngắn sau đợt giảm sâu
Bà Phạm Huyền Trang

Bà Phạm Huyền Trang: Sau nhịp hồi phục kéo dài xuyên suốt tháng 7 và tháng 8, VN-Index đã quay lại với xu hướng giảm kể từ đầu tháng 9. Chỉ số VN-Index kết thúc phiên cuối tháng 9 quanh vùng 1.132 điểm. Phiên giao dịch cuối quý là một phiên hồi phục ấn tượng của chỉ số thị trường từ mốc tâm lý 1.100 điểm, tuy nhiên điều đó không thể phủ nhận giao dịch thận trọng của VN-Index xuyên suốt tháng vừa qua. Chỉ số hiện giảm 11,6% so với thời điểm cuối tháng 8 và giảm 24,4% so với cuối năm 2021.

Vận động của thị trường do tác động của nhiều yếu tố, trong đó nổi bật nhất là câu chuyện tăng lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75% trong kỳ họp chính sách tháng 9 và dự báo sẽ tiếp tục động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trong các kỳ họp còn lại của năm 2022, với kỳ vọng hạ nhiệt lạm phát. Động thái của FED kéo theo giao dịch thận trọng của các chỉ số chứng khoán Mỹ đi cùng với một hiệu ứng mạnh mẽ khác trên thị trường tài chính, đó là đồng USD liên tục tăng giá và tạo ra những áp lực nhất định tới hoạt động điều hành tỷ giá, cũng như quản lý chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có động thái tăng lãi suất điều hành ngay sau kỳ họp của FED, trong đó có hoạt động nới trần lãi suất huy động. Điều này tạo ra kỳ vọng về khả năng tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại và chịu ảnh hưởng sẽ là lợi nhuận của nhiều ngành nghề, doanh nghiệp.

Song song với câu chuyện tăng lãi suất, room tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại ở mức hạn chế và nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng cũng tạo ra ảnh hưởng gián tiếp và trực tiếp lên vận động của TTCK.

TTCK thời gian tới vẫn có thể trong tình trạng diễn biến thận trọng. Ảnh: SSI
TTCK thời gian tới vẫn có thể trong tình trạng diễn biến thận trọng. Ảnh: SSI

PV: Liên tiếp các mức hỗ trợ của VN-Index đều bị phá vỡ, đặc biệt là mặt bằng cổ phiếu đã giảm về mức rất sâu. Theo bà, với mặt bằng giá hiện nay, liệu đã đủ hấp dẫn để dòng tiền vào lại hay chưa? Vì sao?

Bà Phạm Huyền Trang: Theo tính toán của Bloomberg, mức P/E hiện tại của VN-Index là 12,4 lần và P/E forward 2023 là 10,5 lần - đây là các mức định giá có sự chiết khấu đáng kể so với số liệu trong quá khứ và với mức định giá kể trên. Nhà đầu tư chuộng sử dụng phân tích cơ bản sẽ cân nhắc giải ngân dần hoặc giải ngân từng phần, bởi vì việc giải ngân từng phần sẽ hạn chế bớt rủi ro trong bối cảnh thị trường vẫn đang phản ứng với câu chuyện tăng lãi suất. Đồng thời, việc mua khi thị trường có định giá hấp dẫn không đồng nghĩa với việc cổ phiếu mua xong sẽ tăng ngay.

Còn với nhóm số 2, tức là những nhà đầu tư chuộng phân tích kỹ thuật, việc giải ngân mới hoặc tăng tỷ trọng chỉ diễn ra khi thị trường hoặc cổ phiếu tiềm năng cho tín hiệu tạo đáy ngắn hạn. Để tạo đáy ngắn hạn, VN-Index cần hình thành các mẫu hình xác nhận như mẫu hình 2 đáy (double bottom), … Trong phiên cuối tháng 9, VN-Index đang tạm thời cân bằng sau khi kiểm định vùng hỗ trợ và đồng thời là mốc tâm lý 1.100 điểm.

Định giá đang có sự chiết khấu đáng kể

Mức P/E hiện tại của VN-Index là 12,4 lần và P/E dự phóng 2023 là 10,5 lần - đây là các mức định giá có sự chiết khấu đáng kể so với số liệu trong quá khứ. Nhà đầu tư chuộng sử dụng phân tích cơ bản sẽ cân nhắc giải ngân dần hoặc giải ngân từng phần, bởi vì việc giải ngân từng phần sẽ hạn chế bớt rủi ro trong bối cảnh thị trường vẫn đang phản ứng với câu chuyện tăng lãi suất, đồng thời việc mua khi thị trường có định giá hấp dẫn không đồng nghĩa với việc cổ phiếu mua xong sẽ tăng ngay.

PV: Số liệu vĩ mô quý III đã công bố rất tích cực và dự báo kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp niêm yết cũng sẽ tương đồng. Bà đánh giá thế nào về sự tác động của các thông tin này? Thị trường chứng Việt Nam sẽ có diễn biến thế nào trong quý IV cuối năm?

Bà Phạm Huyền Trang: Số liệu vĩ mô quý III khá tích cực về mặt tăng trưởng, nhưng là trên nền của mức thấp của quý III/2021, khi đại dịch Covid đang gây các tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta. Tuy nhiên, có thể thấy so với quý trước, đà tăng trưởng cũng đã chững lại và đến quý IV tốc độ tăng trưởng cũng sẽ bình thường trở lại. Ngoài ra, số liệu về lạm phát cũng vẫn ở xu hướng tăng. Do vậy ảnh hưởng tâm lý là khá hạn chế.

Đối với Việt Nam, ngoài việc bị ảnh hưởng chung theo thế giới, thị trường cũng đang phản ánh các yếu tố vĩ mô không thực sự thuận lợi năm tới như tăng trưởng GDP chậm lại, CPI cao hơn và các rủi ro liên quan tới thị trường bất động sản… Do VN-Index đã giảm nhiều tháng liên tiếp với mức giảm 26% từ tháng 4, có thể có những nhịp hồi phục ngắn hạn. Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư cá nhân nên nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng thấp và tập trung vào một số các cổ phiếu, ngành có triển vọng vẫn còn khả quan trong quý IV và nửa đầu năm sau...

PV: Xin cảm ơn bà!

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam