Tập trung nhiều giải pháp kéo giảm nợ thuế

07:55 | 05/10/2022 Print
(TBTCO) - Để kéo giảm nợ thuế, Tổng cục Thuế cho biết, toàn ngành đang tập trung rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng, lập danh sách những doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân nợ, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng. Trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngành Thuế sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu nợ; đồng thời phối hợp với cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Nợ các khoản liên quan đến đất tăng

Thông tin về tình hình nợ thuế, ông Nguyễn Văn Điều - Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, số tiền thuế nợ toàn ngành quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/9/2022 là 133.973 tỷ đồng, giảm 0,1% so với thời điểm ngày 31/8/2022. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30/9/2022 là 115.919 tỷ đồng, giảm 0,3% so với thời điểm ngày 31/8/2022.

Nếu tính theo tỷ lệ nợ trên tổng dự toán thu năm 2022, nợ thuế có khả năng thu hiện đang là 7,7%; tỷ lệ tiền thuế nợ không còn khả năng thu trên dự toán thu là 2,2%. Tổng cục Thuế đánh giá, tiền nợ thuế vẫn có chiều hướng tăng, ước tính đến thời điểm ngày 30/9/2022, nợ thuế tăng 18.959 tỷ đồng so với nợ tại thời điểm ngày 31/12/2021.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến nợ thuế tăng, ông Điều cho biết, các khoản nợ thuế, phí tăng 4.789 tỷ đồng do ảnh hưởng dịch Covid-19, người nộp thuế (NNT) gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến không nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước (NSNN). Ngoài ra, một số NNT thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế, nhưng chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP nên nợ thuế tăng.

Bên cạnh đó, tiền phạt, tiền chậm nộp tăng 3.373 tỷ đồng do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế.

"Tổng số tiền thuế nợ tăng chủ yếu là các khoản nợ liên quan đến đất tăng 10.241 tỷ đồng, tăng 64,1% so với nợ tại thời điểm ngày 31/12/2021. Số nợ trên tập trung tại một số địa phương có các dự án bất động sản lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Quảng Bình, TP. Đà Nẵng" - ông Điều cho biết.

Phân tích nguyên nhân nợ, áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp

Để kéo giảm nợ thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, tổng cục đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung nguồn lực chủ động rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng, lập danh sách những doanh nghiệp (DN), cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng. "Trường hợp DN cố tình chây ỳ, kiên quyết thực hiện cưỡng chế thu nợ theo quy định. Trường hợp phát hiện DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật" - ông Điều thông tin.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, 9 tháng năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 2.405 tỷ đồng. Lũy kế kết quả xử lý nợ từ khi Nghị quyết số 94 có hiệu lực đến cuối tháng 9/2022 ước đạt 34.806 tỷ đồng. Trong đó, khoanh nợ tiền thuế là 28.164 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 6.642 tỷ đồng. Tổng cục Thuế đang tiến hành công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 94 của Quốc hội.

Cùng với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp nêu trên, ngành Thuế cũng sẽ tập trung giải quyết kịp thời việc xử lý miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 đối với DN, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020 theo quy định, để hỗ trợ NNT sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN. Tập trung giải quyết kịp thời việc xử lý gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP để hỗ trợ NNT phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu cho NSNN.

Cơ quan thuế các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, toàn ngành đẩy mạnh việc xử lý, giải quyết, thẩm định các hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 (Nghị quyết 94) của Quốc hội. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, 9 tháng năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN ước đạt 2.405 tỷ đồng. Lũy kế kết quả xử lý nợ từ khi Nghị quyết số 94 có hiệu lực đến cuối tháng 9/2022 ước đạt 34.806 tỷ đồng. Trong đó, khoanh nợ tiền thuế là 28.164 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 6.642 tỷ đồng. Tổng cục Thuế đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 94 của Quốc hội.

* Ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh:

Giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức

Tập trung nhiều giải pháp kéo giảm nợ thuế
Ông Lê Duy Minh

Trên tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng người nộp thuế (NNT) vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 và giảm thiểu tình trạng nợ thuế dây dưa ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã giao chỉ tiêu thu nợ cho từng đơn vị, từng công chức và thực hiện giám sát, đôn đốc các đơn vị triển khai công tác thu nợ đúng quy trình, quy định; đồng thời cho triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ, như ban hành 100% thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp; rà soát tất cả các khoản nợ thuế để phân loại, đối chiếu nhằm xác định đúng số nợ; công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về các trường hợp NNT cố tình dây dưa nợ thuế, nợ thuế lớn, thời gian nợ thuế kéo dài.

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định để thu hồi nợ thuế, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh công tác khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, theo Nghị quyết số 94/2019/QH14; thực hiện miễn tiền chậm nộp, theo Nghị quyết

406/NQ-UBTVQH15 và các chính sách miễn giảm, gia hạn nộp thuế. Kết quả là sau 8 tháng năm 2022, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện quyết định khoanh nợ cho 101.074 NNT, với tổng số tiền 4.517 tỷ đồng, đạt 97,6% dự kiến xử lý khoanh nợ; thực hiện xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp cho 6.626 NNT, với tổng số tiền 314 tỷ đồng; đồng thời thực hiện miễn tiền chậm nộp cho 631 lượt NNT với số tiền 54,1 tỷ đồng. Dự kiến trong 3 tháng cuối năm, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành 100% công tác khoanh nợ và 60% công tác xóa nợ trên địa bàn.

* Ông Viên Viết Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội:

Giám sát các dự án chậm triển khai để có giải pháp kịp thời

Tập trung nhiều giải pháp kéo giảm nợ thuế
Ông Viên Viết Hùng

Theo Kế hoạch 235/KH-UBND, UBND thành phố giao liên ngành triển khai rà soát, đôn đốc, xử lý nợ đối với 40 dự án chậm triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội với số nợ NSNN là 3.867 tỷ đồng. Kết quả, qua quá trình đôn đốc của Cục Thuế TP. Hà Nội, đến thời điểm hiện tại đã thực hiện đôn đốc và thu vào NSNN 757 tỷ đồng của 23 dự án; còn 29 dự án với số nợ trên 3.100 tỷ đồng tiếp tục đôn đốc, xử lý các vướng mắc của chủ đầu tư.

Tại buổi làm việc ngày 16/9/2022 mới đây, đoàn liên ngành đã làm việc với 26 doanh nghiệp, dự án chậm triển khai, nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất thuộc Kế hoạch 235/KH-UBND của thành phố để một lần nữa rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các dự án chậm triển khai trên địa bàn, giải quyết dứt điểm các nội dung còn vướng mắc, kiên quyết thu hồi và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Tại buổi làm việc, liên ngành thành phố đã thể hiện rõ sự quyết liệt trong việc đôn đốc thu hồi nợ thuế, triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng, kiên quyết thu hồi và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN theo quy định, liên ngành thành phố kiên quyết sẽ triển khai các biện pháp bảo đảm đôn đốc, thu hồi, xử lý các khoản nợ đọng. Cụ thể, các chủ đầu tư còn nợ NSNN sẽ không được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mới, hoặc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND...

* Ông Lê Bá Tiến - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Đà Nẵng:

Làm tốt công tác quản lý ngay từ khi nợ mới phát sinh

Tập trung nhiều giải pháp kéo giảm nợ thuế
Ông Lê Bá Tiến

Để góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm nợ, phấn đấu thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán được giao năm 2022, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 672/CTDAN-QLN ngày 27/1/2022 về việc triển khai công tác quản lý nợ thuế năm 2022; Công văn số 2892/CTDAN-QLN ngày 8/6/2022 về việc đẩy mạnh công tác nợ thuế các tháng cuối năm 2022.

Chúng tôi cũng chỉ đạo các chi cục thuế chủ động tham mưu, đề xuất UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các xã, phường, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế trong việc triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn; tiếp tục duy trì việc thành lập các đoàn liên ngành, tập trung đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế; nhất các khoản nợ lớn, dây dưa.

Đặc biệt, làm tốt công tác quản lý ngay từ khi nợ mới phát sinh, xác định nguyên nhân, nắm chắc diễn biến nợ và tình hình hoạt động kinh doanh của từng NNT để tổ chức theo dõi sát sao, đôn đốc kịp thời số thuế nợ vào NSNN; thường xuyên giám sát, xác định các khoản tiền thuế nợ lớn dưới 30 ngày, có văn bản gửi đến chủ doanh nghiệp động viên, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách. Thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế các khoản nợ quá hạn nộp trên 90 ngày theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế và đối với từng NNT.

Nhóm PV (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam