Vượt thách thức, ngành Hải quan sắp cán đích thu ngân sách

18:12 | 05/10/2022 Print
(TBTCO) - 9 tháng đầu năm, ngành Hải quan phải đối diện với rất nhiều thách thức khách quan. Nhất là khi nhiều cửa khẩu đường bộ vẫn chưa được hoạt động trở lại sau "bão" dịch. Tuy vậy, do nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tăng trưởng tới 15,7%, nên số thu ngân sách từ hoạt động này đạt con số tích cực.

Nhiều đơn vị hải quan thu ngân sách lớn

Kết quả số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) 9 tháng của năm 2022 được 328.832 tỷ đồng, đạt 93,4% dự toán được giao, đạt 88,9% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 14,7% (so với cùng kỳ năm 2021). Nhìn vào “top 10” địa phương có kim ngạch XNK lớn, số thu cũng khá khả quan.

Dẫn đầu là Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thu đạt 104.264 tỷ đồng, bằng 89,50% dự toán được giao, bằng 87,25% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 20,82%. Theo phân tích của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng XNK có kim ngạch tăng cao so với với cùng kỳ, đóng góp chính tăng thu cho ngân sách. Cụ thể, xăng dầu các loại tăng 139%; sắt thép các loại có kim ngạch nhập khẩu tăng 6,9%, đóng góp cho ngân sách 4.401 tỷ đồng; sản phẩm hóa chất kim ngạch tăng 15,4%, đóng góp cho ngân sách 4.080 tỷ đồng.

Cơ quan hải quan tập trung nâng cao mối quan hệ đối tác, hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp để tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Cơ quan hải quan tập trung nâng cao mối quan hệ đối tác, hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp để tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Xếp thứ 2 là Cục Hải quan Hải Phòng, thu đạt 58.098 tỷ đồng, bằng 91,31% dự toán được giao, bằng 86,65% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 20,59%. Tiếp theo là Cục Hải quan Hà Nội thu đạt 24.394 tỷ đồng, bằng 88,97% dự toán được giao, bằng 86,81% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 19,64%. Cục Hải quan Đồng Nai thu đạt 18.563 tỷ đồng, bằng 104,28% dự toán được giao, bằng 91,13% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 11,73%. Cục Hải quan Bình Dương thu đạt 11.217 tỷ đồng, bằng 85,49% dự toán được giao, tăng 1,35%.

Riêng tại Cục Hải quan Thanh Hóa số thu đạt 15.369 tỷ đồng, bằng 153,69% dự toán được giao, tăng 64,59%. Trong đó, tổng số thu từ mặt hàng dầu thô là hơn 12.253 tỷ đồng, chiếm 82,9% tổng số thu nộp ngân sách của đơn vị. Các mặt hàng nhập khẩu khác chiếm 15,8% tổng số thu nộp ngân sách của đơn vị, đạt gần 2.326,6 tỷ đồng, trong đó phần lớn tập trung vào các mặt hàng nguyên liệu sản xuất như máy móc, thiết bị.

Cục Hải quan Quảng Ninh thu đạt 11.281 tỷ đồng, bằng 104,94% dự toán được giao, tăng 61,26%. Cục Hải quan Bắc Ninh thu đạt 9.647 tỷ đồng, bằng 87,70% dự toán được giao, tăng 10,90%. Cục Hải quan Quảng Ngãi thu đạt 9.010 tỷ đồng, bằng 120,13% dự toán được giao, tăng 28,57%.

Cục Hải quan Hà Tĩnh thu đạt 7.728 tỷ đồng, bằng 91,45% dự toán được giao, tăng 28,65%. Theo ghi nhận, sự phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh rất mạnh mẽ kể từ khi dịch được kiểm soát. Các doanh nghiệp đã tăng cường làm thủ tục XNK các mặt hàng như: nước giải khát, hàng tiêu dùng, tinh bột sắn, hàng điện tử, gỗ xẻ, dăm gỗ… đều có kim ngạch, số thu tăng mạnh so với cùng kỳ. Điểm tích cực còn thể hiện bằng việc Hải quan Hà Tĩnh đã thu hút 346 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hoạt động XNK qua địa bàn, tăng 0,28% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiệu quả từ các giải pháp hỗ trợ

Bên cạnh sự phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, không thể không kể đến các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các đơn vị hải quan, nhất là đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính. Cùng với đó là nâng cao mối quan hệ đối tác, hợp tác giữa cơ quan hải quan với cộng đồng doanh nghiệp thông qua các buổi hội nghị để đối thoại, giải đáp vướng mắc và phổ biến văn bản pháp luật. Qua đó, cơ quan hải quan lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ để tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa bàn quản lý.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ

Năm 2022, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 là 352.000 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu là 370.000 tỷ đồng. Nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu thu NSNN được giao năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 439/CT-TCHQ ngày 11/02/2022 về việc thực hiện đồng bộ quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu năm 2022; đẩy mạnh thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý thu thuế điện tử và thông quan 24/7.

Trong quý IV/2022, Tổng cục Hải quan đang tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, đề xuất các giải pháp chống thất thu, đánh giá tình hình thu, nợ thuế toàn ngành, đẩy mạnh các biện pháp thu NSNN, thu hồi nợ thuế để đảm bảo hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch thu năm 2022 giao cho Tổng cục Hải quan. Đồng thời, Tổng cục Hải quan theo dõi, đánh giá thu ngân sách năm 2022, xây dựng phương án thu ngân sách năm 2023, giai đoạn 2023 - 2025.

Chỉ đạo nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy kết quả các nhiệm vụ trọng tâm như: công tác xây dựng chính sách pháp luật bám sát thực tiễn, xu hướng phát triển; công tác thu NSNN dù trong 9 tháng qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn cần quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, chỉ thị của Tổng cục Hải quan; tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam