Chìa khóa để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chuyển đổi số thành công

20:17 | 05/10/2022 Print
(TBTCO) - Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thách thức để nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TP Hà Nội bứt phá, vươn lên. Theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp cần phải đổi mới tư duy, mô hình kinh doanh, dựa trên công nghệ số.
Chìa khóa để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chuyển đổi số thành công
Để chuyển đổi số thành công thì phát triển nguồn nhân lực nhằm đón đầu xu thế giữ vai trò mang tính quyết định đối với doanh nghiệp. Ảnh: TL

Xu thế tất yếu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định, chuyển đổi số là bước phát triển khách quan, nghĩa là chúng ta muốn phát triển không bị bỏ lại phía sau, thì phải thực hiện nó, không có con đường nào khác.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng chia sẻ, khi một cuộc cách mạng xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Nhiều cái mới sẽ phá huỷ cái cũ, hay còn gọi là sự sáng tạo mang tính phá huỷ. Ứng dụng công nghệ để đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính. Ai dám thí điểm cái mới, sớm ứng dụng cái mới, dám cho cái mới một tờ giấy khai sinh, thì người đó mới có cơ hội thành công, bứt phá vươn lên và thay đổi thứ hạng. Nhưng phải là đi trước người khác thì mới có cơ hội thay đổi thứ hạng.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã lựa chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, nhằm mục đích lan tỏa mạnh mẽ tới toàn xã hội, các bộ, ngành, địa phương phổ cập, truyền thông bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đi cùng thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số để bứt phá, vượt lên.

Năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan đảng thành phố Hà Nội. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tham mưu cho UBND thành phố Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 14/6/2022 của UBND Thành phố về việc Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ cho hay, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số, Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tiếp cận với các nền tảng chuyển đổi số, từ đó có kế hoạch phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Gần đây nhất, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3501/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội” và Quyết định số 3457/QĐ-UBND về “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Riêng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), đến nay, đã ươm tạo thành công 3 khóa với 24 dự án khởi nghiệp đủ năng lực phát triển trở thành doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường.

Chìa khóa để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chuyển đổi số thành công
Nghiên cứu các giải pháp công nghệ tại Công ty cổ phần Misa. Ảnh: Q.Trí

Đổi mới tư duy dựa trên công nghệ số

Để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng những thiết bị công nghệ số, mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số.

“Các câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ công đoạn trung gian, rườm rà”- ông Nguyễn Tiến Sỹ khuyến nghị.

Ví dụ thực tế từ mô hình làm việc từ xa, ông Nguyễn Thế Hùng- CEO của Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (Vinades) chia sẻ, đại dịch Covid-19 vừa qua nhiều doanh nghiệp đã tiến hành chuyển đổi số, thúc đẩy phương án làm việc từ xa. Mặc dù, tiết kiệm được chi phí, thời gian, tăng cơ hội tuyển dụng nhân sự ở các địa bàn khác, tuy nhiên, doanh nghiệp lại khó quản lý nhân viên, hoạt động giao tiếp và trao đổi kém hiệu quả dẫn đến năng suất lao động không cao. Với mô hình 5 cấp độ làm việc từ xa mà Vinades ứng dụng thời gian qua đã cho thấy một văn hóa làm việc hiệu quả hơn bất kỳ hình thức làm việc tại công ty nào từng đạt được, điều quan trọng là doanh nghiệp cần thích ứng với các công cụ mới…

Ở cách thức tiếp cận bán hàng, Giám đốc sản phẩm - Quản lý kinh doanh Công ty TNHH 1C Việt Nam Lưu Nhật Quang đã chỉ ra những thách thức của doanh số bán hàng tốc độ cao hiện nay, chủ doanh nghiệp cần phải biết doanh thu từ marketing và hiểu hành trình mua sắm của khách hàng từ nhận thức tới hành động; chu kỳ bán hàng của doanh nghiệp dài và có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, nền kinh tế không biện minh cho việc tăng số lượng nhân viên bán hàng. Chỉ tiêu doanh thu dài hạn của doanh nghiệp luôn lớn, nhưng thực tế hiệu suất lại thấp.

Do đó, ông Quang cho rằng, kỷ nguyên của chủ nghĩa gia tăng sắp kết thúc. Chỉ các doanh nghiệp định nghĩa lại hình ảnh và chuyển đổi hoàn toàn cách tiếp cận bán hàng sẽ đi trước đối thủ cạnh tranh. Hệ thống bán hàng tương lai hướng chiến lược vào quy trình và tài nguyên, thay đổi vĩnh viễn từ người bán làm trung tâm để định hướng người mua làm trung tâm.

Theo ông Phí Anh Tuấn- Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn công nghệ thông tin PAT, người có kinh nghiệm tư vấn cho hàng nghìn doanh nghiệp chuyển đổi số: hiện nay có tình trạng, doanh nghiệp nhỏ và vừa dư thừa thông tin về chuyển đổi số nhưng lại thiếu tính thực tiễn, thiếu đặc tính ngành để áp dụng. Do đó, để chuyển đổi số mang lại hiệu quả, chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất, nhu cầu chuyển đổi số cho ngành của mình là gì, lãnh đạo doanh nghiệp phải lên kế hoạch, chọn đúng đối tác, nhà tư vấn; triển khai vận hành cho hiệu quả.

Ông Tuấn lưu ý, doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đưa ra yêu cầu, nếu không đưa ra được yêu cầu thì phải thuê công ty tư vấn; lượng hoá được yêu cầu, chỉ tiêu đối với nhà cung cấp, có như vậy quá trình chuyển đổi số mới sát với thực tế nhu cầu.

“Hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai chuyển đổi số hiệu quả, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) do Bộ TT&TT chủ trì với 23 nền tảng số xuất sắc cam kết cung cấp 3-6 tháng miễn phí cho các doanh nghiệp có quy mô dưới 50 người. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ cần sử dụng nền tảng số, ko cần đầu tư vận hành mà chỉ cần trả tiền theo "thuê bao". Theo thống kê, từ ngày khởi động chương trình ( tháng 1/2021) đến nay, có khoảng hơn 300.000 doanh nghiệp đã thử nghiệm, trong đó, có hơn 50.000 doanh nghiệp ký kết hợp tác với các nền tảng số” - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.

Quốc Trí - Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam