Thị trường lao động tiếp tục phục hồi, cơ cấu bền vững hơn

13:28 | 06/10/2022 Print
(TBTCO) - Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục đà khởi sắc, thị trường lao động quý III năm 2022 tiếp tục đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý III năm 2022 tiếp tục tăng, thu nhập bình quân tháng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc giảm.
Tiếp tục chi trả hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp Thủ tướng: Phát triển thị trường lao động cần trả lời 7 câu hỏi vì sao Thị trường lao động việc làm Hà Nội phục hồi mạnh mẽ

Sáng 6/10, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2022.

Lực lượng lao động tăng gần 2,8 triệu người

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục đà khởi sắc, thị trường lao động quý III năm 2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý III năm 2022 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong cả ba khu vực kinh tế đều tăng lên so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2022 là 51,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước và đặc biệt tăng gần 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê
Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo sáng 6/10.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III năm 2022 là 68,7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý III năm 2022 là 26,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và hơn 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý III năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý III năm 2021 (quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19). Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực thành thị và ở nam giới.

Thu nhập bình quân tăng, lao động phi chính thức giảm

Cũng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, khi số người có việc làm tăng lên so với quý trước và cùng kỳ năm trước, thì số thiếu việc làm đã giảm đi so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2022 là khoảng 871,6 nghìn người, giảm 10,1 nghìn người so với quý trước và đặc biệt giảm 993,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,92%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,54 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tình hình thiếu việc làm của người lao động tiếp tục được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn cao hơn cùng kỳ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện (tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III năm 2019 là 1,32%).

Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương quý III năm 2022 là 7,6 triệu đồng, tăng 1,7% so với quý trước, tương ứng tăng 126 nghìn đồng. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương quý III năm 2022 tăng mạnh, tăng 27,2%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng. Lao động nam làm công hưởng lương có thu nhập bình quân là 8,1 triệu đồng, cao hơn 1,14 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (7,1 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động làm công hương lương làm việc ở khu vực thành thị cao hơn là 1,21 lần lao động làm việc ở khu vực nông thôn, tương ứng 8,5 triệu đồng so với 7,0 triệu đồng.

Về thu nhập, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 143 nghìn đồng so với quý trước. So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý III năm 2022 chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 30,1%, tương ứng tăng khoảng 1,6 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, đời sống của người lao động đã trở lại trạng thái bình thường mới và được đảm bảo hơn, với thu nhập bình quân của người lao động III năm 2022 tăng cao, tăng 14,5%, tương ứng tăng khoảng 854 nghìn đồng.

Với tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục đà hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, tình hình thất nghiệp của người lao động cũng tiếp tục duy trì xu hướng giảm. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là gần 1,06 triệu người, giảm 13,9 nghìn người so với quý trước và đặc biệt giảm 658,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là 2,28%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,70 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê
Nhiều cục thống kê tại các tỉnh, thành phố tham gia cuộc họp theo hình thức trực tuyến

Theo ông Phạm Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), thị trường lao động đang có nhiều chuyển biến tích cực và mang tính bền vững khi quy mô lao động có việc làm chính thức tăng, tỷ lệ lao động phi chính thức phi nông nghiệp giảm.

Trong quý III năm 2022, số người có việc làm chính thức đạt 17,8 triệu người, tăng 642,8 nghìn người (tương ứng tăng 3,8%) so với quý trước, tăng 2,7 triệu người (tương ứng tăng 19,4%) so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Sự phục hồi của lao động chính thức là tín hiệu đáng mừng đối thị trường lao động. “Khi lao động phi chính thức giảm xuống, lao động chính thức tăng lên, cho thấy có sự dịch chuyển từ phi chính thức sang chính thức. Đây là tín hiệu cho thấy thị trường lao động phát triển bền vững hơn”, ông Phạm Hoài Nam cho biết.

Tăng lương lúc này là phù hợp

Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm đối với việc tăng lương, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng việc tăng lương lúc này là phù hợp bởi chúng ta đã trì hoãn 3 năm nay. Tuy nhiên mức tăng phải được tính toán phù hợp để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu tăng lương cao mà để lạm phát cũng cao thì ý nghĩa sẽ không còn lớn. Mức tăng như thế nào sẽ được các cơ quan họp bàn, tính toán để vừa đảm bảo đời sống cho người lao động, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Riêng đối với khu vực giáo dục, y tế, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong đại dịch vừa qua, thì bên cạnh việc tăng lương có thể tính toán các chính sách hỗ trợ phù hợp như về sức khỏe, đào tạo…

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam