Cấp nước sạch cho khu vực khó khăn, vùng ảnh hưởng thiên tai

18:25 | 06/10/2022 Print
(TBTCO) - Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục triển khai việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn gắn với việc xử lý chất thải trong sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nông thôn.
Cấp nước sạch cho khu vực khó khăn, vùng ảnh hưởng thiên tai
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NNK

Ngày 6/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn và Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Năm 2025, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch

Tại hội nghị, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn cho biết, Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 (Quyết định 925). Mục tiêu chung của chương trình là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Quyết định số 925 nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn...

Hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch

Về cấp nước sạch nông thôn, tại Quyết định 925 nêu rõ sẽ hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có; xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước.

Đối với chất thải rắn sinh hoạt, tổ chức mạng lưới thu gom triệt để và hiệu quả; xây dựng, triển khai và hoàn thiện mô hình liên kết thị trường để thu hồi, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải; hỗ trợ đầu tư xây dựng từ 01 - 02 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện hoặc liên huyện, áp dụng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quyết định 925 đề ra 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể để các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, triển khai: Cấp nước sạch nông thôn; chất thải rắn sinh hoạt; nước thải sinh hoạt; chất thải và phụ phẩm nông nghiệp; bao gói thuốc bảo vệ thực vật; bảo vệ môi trường làng nghề; cảnh quan môi trường nông thôn; an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản và công tác vệ sinh.

Đồng thời, Quyết định 925 đề ra 5 nhóm giải pháp được đưa ra, trong đó, đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung cho công tác truyền thông và nâng cao năng lực; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; khoa học công nghệ; huy động nguồn lực; phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tại hội nghị, đại biểu các bộ ngành, địa phương đã chia sẻ, thảo luận, tham góp ý kiến để hoàn thiện kế hoạch triển khai Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”.

Một số khó khăn trong thực tế cũng đã được các đại biểu đề cập đến như hiện nay các doanh nghiệp chưa mặn mà với đầu tư vào lĩnh vực nước sạch; sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ khiến an toàn thực phẩm vẫn còn là nỗi lo lớn. Môi trường làng nghề, vệ sinh nông thôn vẫn là bài toán nan giải với nhiều địa phương. Biến đổi khí hậu tác động ngày một lớn đến cấp nước, môi trường…

Cấp nước sạch cho khu vực khó khăn, vùng ảnh hưởng thiên tai
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NNK

Vùng sâu, vùng xa sẽ được ưu tiên cấp nước sạch

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, để cụ thể hoá Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 quyết định phê duyệt các nội dung cụ thể để tổ chức triển khai, trong đó có nội dung về tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Thực tế thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thí điểm một số dự án cấp nước sạch cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Hiệu quả bước đầu là khá tích cực. Thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sẽ tiếp tục lựa chọn, xây dựng các mô hình thí điểm cấp nước để làm cơ sở xây dựng chính sách, nhân rộng tại các địa phương. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư hệ thống cấp nước cho các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, mô hình “Chợ an toàn thực phẩm” được thí điểm thời gian qua. Trong giai đoạn tới, các địa phương cần tiếp tục chú trọng nghiên cứu, thí điểm xây dựng và đánh giá, nhân rộng những “Chợ an toàn thực phẩm'' ở nông thôn.

Để Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” đạt mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và hoàn thiện đề án, chương trình có liên quan; đồng thời, ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước để tổ chức triển khai các nội dung của chương trình...

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục triển khai việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn gắn với việc xử lý chất thải trong sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nông thôn.

Đồng thời vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai thực hiện trong xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục triển khai qua đó hỗ trợ tích cực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, xây dựng chính quyền điện tử...

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam