Bất động sản cuối năm 2022: Giá khó tăng, sức ép từ thanh khoản vẫn lớn

11:07 | 17/10/2022 Print
(TBTCO) - heo các chuyên gia, mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm nhưng thị trường bất động sản chưa rơi vào suy thoái, bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, hoạt động đầu cơ giai đoạn này cũng không còn.

Tỷ lệ hấp thụ giảm mạnh

Theo báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý III/2022 của Savills Việt Nam, nguồn cung sơ cấp căn hộ chung cư quý III/2022 của thị trường BĐS chỉ đạt 6.600 căn (giảm 51% theo quý). Nguồn cung sơ cấp giảm theo quý đến từ việc hạn chế nguồn cung mới với 2.270 căn, chỉ chiếm 34% nguồn cung sơ cấp. Nguồn cung đến từ 4 dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của 6 dự án; lượng nguồn cung mới đã giảm 82% theo quý. Hàng tồn kho chiếm 66% nguồn cung sơ cấp với khoảng 4.400 căn, tồn kho lớn nhất kể từ năm 2019. Hạng A và B chiếm 89% lượng hàng tồn kho.

Lượng giao dịch căn hộ trong quý III/2022 đã giảm 89%, xuống còn hơn 990 căn và tỷ lệ hấp thụ giảm 54 điểm phần trăm theo quý, thấp nhất kể từ năm 2019. Khảo sát của Savills Việt Nam về thị trường thứ cấp cho thấy, chênh lệch giữa giá sơ cấp và thứ cấp nhìn chung cao hơn ở các quận được quy hoạch tốt và đô thị hóa cao. Điều này phản ánh rằng chủ nhà và nhà đầu tư đã hạ thấp kỳ vọng của họ và có cơ hội cho những người tìm mua BĐS.

Mặc dù tình hình giao dịch bất động sản có dấu hiệu sụt giảm nhưng thị trường chưa rơi vào suy thoái.
Mặc dù tình hình giao dịch bất động sản có dấu hiệu sụt giảm nhưng thị trường chưa rơi vào suy thoái.

Còn theo dữ liệu của Hội môi giới BĐS (VARS), nguồn cung BĐS đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn BĐS gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư. Giá BĐS có dấu hiệu chững lại, một số dự án đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại,...

Các chuyên gia của VARS nhận định mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm nhưng khẳng định thị trường BĐS chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính mua nhà để đầu tư phải được tính toán một cách thận trọng, hướng vào những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực trên nền tảng phải cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh, đề phòng thị trường sẽ có những diễn biến tiêu cực.

Cần lực đẩy giúp thị trường thoát trầm lắng

Đánh giá triển vọng thị trường quý IV/2022, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ mở bán 5.033 căn hộ cho thị trường. Khoảng 70% nguồn cung tương lai sẽ là các căn hộ hạng B. Theo vị trí, các quận/huyện: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và Gia Lâm sẽ chiếm 80%. Các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài đang tích cực tìm kiếm quỹ đất nhà ở tại các tỉnh lân cận vì nguồn cung từ các tỉnh này sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu nhà ở tại Hà Nội. Bên cạnh đó, thị trường Hưng Yên và Bắc Ninh sẽ cung cấp khoảng 104.800 căn hộ. Theo đại diện Savills Hà Nội, việc cải thiện cơ sở hạ tầng, sản phẩm với giá cả phải chăng và đa dạng dịch vụ tiện ích là những yếu tố then chốt để các dự án thành công.

“Nguồn cung từ các khu vực lận cận đang được hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng giao thông mới như đường vành đai hay cao tốc mới. Chúng tôi nhận thấy lượng lớn nguồn cung mới tại các khu vực này và đây sẽ là đối thủ cạnh tranh mạnh với các dự án tương lai dự kiến tại Hà Nội”- đại diện Savills Hà Nội nhận định.

Thị trường BĐS cũng hứa hẹn sẽ lành mạnh hơn sau những động thái chấn chỉnh của Chính phủ. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ sớm thông qua với những quy định mới giúp thanh lọc các dự án và chủ đầu tư yếu kém, hạn chế tình trạng đầu cơ. Từ đó, gia tăng chất lượng, sự an toàn, minh bạch và niềm tin cho thị trường, tạo ra lực đẩy giúp thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng.

Thị trường sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng

Theo các chuyên gia, chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó, nhóm dự án hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn sẽ tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị,... kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng. dịch vụ, văn phòng,... đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp trong xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Thị trường sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng, tiếp tục phát triển bền vững khi nhà nước điều tiết tốt những chính sách, công cụ nhằm điều tiết cung cầu hàng bất động sản như tín dụng, đất đai, tài chính... hoặc thu hút đầu tư.

Còn ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS dự báo, diễn biến thị trường BĐS Việt Nam trong quý IV sẽ chứng kiến nguồn cung nhà ở tiếp tục khan hiếm, khả năng hấp thụ tăng nhưng không mạnh kèm theo BĐS không tăng. Bên cạnh đó, loại hình BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn do quỹ đất còn nhiều, ưu thế khí hậu bên cạnh hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư. Đồng thời BĐS công nghiệp sẽ đón làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp quốc tế sang nhiều nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam; thị trường nhân công lao động, quỹ đất lớn kết hợp với hạ tầng giao thông liên tỉnh được chính phủ rót vốn đầu tư sẽ tạo đà cho sự phát triển về BĐS công nghiệp. Cùng với đó, thị trường BĐS bán lẻ, văn phòng, thương mại sẽ chịu áp lực tăng giá. Tỉ lệ lấp đầy ở mức cao, đặc biệt là các khu trung tâm thương mại được vận hành bởi các thương hiệu lớn.

Đồng thời, lãnh đạo VARS cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm cải thiện thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian đến, đó là cần đẩy nhanh sửa luật cùng với công khai thông tin; cần tăng cường các chính sách cấp bách để tháo gỡ những điểm nghẽn cho các dự án phát triển, có tính cấp thiết; khẩn trương xây dựng giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường; quan tâm, triển khai dự án nhà ở giá thấp để cân bằng và đáp ứng nhu cầu thực của xã hội. Đặc biệt, các nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường không nên tham gia hoạt động đầu cơ. Các chủ đầu tư, nhất là chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở, đô thị không nên xây dựng chính sách giá, chính sách bán hàng có thể gây bất lợi cho thị trường khu vực, thị trường chung, nhất là các doanh nghiệp lớn, dự án lớn.

Giá văn phòng cho thuê tăng nhẹ

Theo thống kê từ Công ty CBRE Việt Nam, từ đầu năm đến nay, thị trường văn phòng tại Hà Nội chào đón thêm một dự án hạng B ở khu vực phía Tây với tổng diện tích sàn thực thuê 22.000 m2. Tổng nguồn cung văn phòng ở Hà Nội kết thúc quý III/2022 đạt 1.623 triệu m2, với diện tích dự án hạng A chiếm 37% tổng nguồn cung của thành phố. Nguồn cung mới trong 9 tháng qua tương đối hạn chế và không nhiều dự án có sẵn mặt bằng cho thuê nên tỷ lệ hấp thụ ròng của thị trường Hà Nội đạt hơn 27.000 m2. Dự kiến, khi có thêm nguồn cung mới, tỷ lệ hấp thụ ròng sẽ được cải thiện.

Các chuyên gia của CBRE phân tích, tiếp nối sự cải thiện của hiệu suất thị trường quý trước, giá văn phòng cho thuê trong quý III/2022 tiếp tục tăng nhẹ. Giá chào thuê của văn phòng hạng A đạt mức 26 USD/m2/tháng, tăng 0,6% so với quý trước và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá thuê văn phòng hạng B cũng tăng 0,6% so với quý trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trung bình 14,4 USD/m2/tháng.

Trong 3 tháng cuối của năm 2022, thị trường văn phòng Hà Nội dự kiến sẽ chào đón 3 dự án văn phòng hạng A và 1 dự án văn phòng hạng B, đưa tổng diện tích văn phòng mới gia nhập thị trường trong năm 2022 đạt 103.600 m2. Theo đó, giá thuê hạng A được dự đoán sẽ tăng thêm 1–2% từ giờ đến cuối năm do nguồn cung mới được phát triển bởi những chủ đầu tư có tên tuổi và được trang bị thông số kỹ thuật tốt, cơ sở vật chất mới, hiện đại. Tuy nhiên, nguồn cung mới dồi dào dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên tỷ lệ trống. Riêng giá thuê hạng B dự kiến sẽ duy trì ổn định.

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam