Sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách, pháp luật tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Kỳ vọng tiếp tục hun đúc tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp

10:23 | 21/10/2022 Print
(TBTCO) - Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ cho ý kiến về một loạt các luật rất quan trọng với hoạt động kinh doanh như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi)... Từ góc nhìn doanh nhân, nhà tư vấn doanh nghiệp, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, kỳ vọng sự đổi mới trong chính sách pháp luật tới đây sẽ tiếp tục hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong thời gian tới, từ đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển.

PV: Thưa ông, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô khá khả quan, đặc biệt là dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 đạt tới 8%. Mặc dù vậy, báo cáo cũng nhận định tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn nhiều khó khăn. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Kỳ vọng tiếp tục hun đúc tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp
TS. Lê Duy Bình

TS. Lê Duy Bình: Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 khá tích cực, với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu. Một loạt con số thống kê về số doanh nghiệp mới thành lập, số vốn đưa vào nền kinh tế, về xuất khẩu, thu ngân sách… cho thấy bức tranh khá ấn tượng trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn và đại dịch chưa kết thúc.

Tuy nhiên trong bức tranh đó, gam màu xám cũng còn không ít. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, mỗi tháng trung bình có khoảng 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy có 12.500 ý tưởng kinh doanh không thành công, số vốn bỏ ra không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Khảo sát về triển vọng kinh doanh của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, có khoảng 25 – 29% doanh nghiệp trong ngành sản xuất cho rằng, tình hình sắp tới “đặc biệt khó khăn”. Điều này là thực tế khi một số ngành sản xuất đang và sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi nhu cầu tiêu dùng của nhiều thị trường lớn có xu hướng giảm. Cùng với đó, giá cả đầu vào tăng cao, đặc biệt là chi phí năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng, lãi suất có xu hướng tăng… Đây là những điều cần đặc biệt lưu tâm trong quá trình phục hồi của nền kinh tế.

PV: Vậy trước những khó khăn này, theo ông cộng đồng doanh nghiệp mong chờ, kỳ vọng gì từ những nội dung sẽ được thảo luận, quyết định tại kỳ họp?

TS. Lê Duy Bình: Một số khó khăn tôi đã nêu ở trên là những rủi ro đến từ thị trường, cả trong nước và ngoài nước, liên quan đến cung cầu, giá cả… Nhưng có những rủi ro khác mà doanh nghiệp rất lo ngại, là rủi ro đến từ chính sách, công tác điều hành nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp.

Thời gian qua, môi trường kinh doanh đã được cải thiện rất nhiều, nhưng rủi ro cũng không vì thế mà ít đi. Rủi ro ở đây không đến từ nội tại doanh nghiệp hay từ thị trường, mà là do thay đổi về chính sách, cách thức điều hành của cơ quan quản lý, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp mong muốn có một môi trường kinh doanh bình đẳng, có thể tiên liệu được.
Doanh nghiệp mong muốn có một môi trường kinh doanh bình đẳng, có thể tiên liệu được.

Do đó, nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tại kỳ họp này, bên cạnh việc thảo luận, xem xét về những khó khăn, thách thức mang tính chất thị trường, khách quan, doanh nghiệp cũng mong muốn Quốc hội xem xét những rủi ro, khó khăn cho hoạt động kinh doanh xuất phát về thể chế, quy định pháp luật, hay điều hành của các cơ quan quản lý, bộ, ngành, địa phương. Hầu hết những rủi ro này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đơn cử như trong ngành điện, vừa qua rất nhiều yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến doanh nghiệp trong ngành điện. Một phần do tính toán của doanh nghiệp, nhưng cũng xuất phát từ chính sách điều hành chưa nhất quán. Hay trong sự việc tắc nghẽn cục bộ nguồn cung xăng dầu vừa qua, rõ ràng có liên quan đến công tác quản lý, điều hành thị trường của cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố rủi ro khó dự đoán trong quá trình doanh nghiệp thực hiện dự án, trong quá trình thanh tra, giám sát… Do đó, tôi rất mong muốn những nội dung này sẽ được tập hợp thành nhóm vấn đề để được thảo luận chính thức, có hệ thống tại Quốc hội. Để từ đó, có giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về một loạt luật rất quan trọng với hoạt động kinh doanh như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi)... Tôi hy vọng trong quá trình góp ý, xây dựng luật, những nguyên tắc thị trường, công cụ thị trường sẽ được đưa vào như là “linh hồn”, nguyên tắc cốt lõi của luật, thay vì những công cụ quản lý hành chính cứng nhắc.

Khuôn khổ pháp luật rõ ràng, minh bạch sẽ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo

Theo TS. Lê Duy Bình, thế hệ doanh nhân ngày nay đã khác hẳn thế hệ doanh nhân 20, 30 năm trước. Sức ép mưu sinh với họ không còn là quá lớn mà mục tiêu là phát huy sự đổi mới sáng tạo, vươn ra tầm xa toàn cầu. Điều này đòi hỏi một khung khổ pháp luật mới, rộng hơn để có chỗ cho đổi mới sáng tạo, song cũng phải chặt chẽ, tinh vi hơn để bắt kịp những mô hình kinh doanh mới, phức tạp, đa dạng hơn. Nếu không có khuôn khổ pháp luật rõ ràng, minh bạch thì rất khó khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

“Tôi rất kỳ vọng vào những cải cách, sửa đổi, bổ sung sắp tới trong chính sách pháp luật. Cụ thể như là Luật Đất đai sẽ giúp giải phóng nguồn lực đất đai nhiều hơn nữa, mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, cho người dân chứ không chỉ một số nhóm doanh nghiệp. Hay việc sửa Luật Giao dịch điện tử sẽ tạo thuận lợi để mở rộng không gian cho kinh tế số” - TS. Lê Duy Bình nói.

PV: Trong 2 năm khó khăn vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong lúc cấp bách vì đại dịch. Theo ông, những chính sách, cơ chế này có nên kéo dài?

TS. Lê Duy Bình: Việc Quốc hội trao cho Chính phủ một số quyền hạn đặc biệt trong thời khắc đặc biệt, cần hành động nhanh để đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng trong những thời gian nhất định vừa qua, giúp chúng ta thực hiện tốt mục tiêu kép.

Tuy nhiên, khi thời điểm khó khăn nhất đã qua, việc sử dụng những chính sách đặc biệt, đặc thù cũng nên được hạn chế, để quay trở lại với những nguyên tắc thông thường. Hai năm đại địch vừa qua, việc tập trung hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là rất kịp thời, cần thiết, nhưng tư tưởng hỗ trợ chỉ phù hợp trong đại dịch, đã đến lúc phải lùi lại để nhường chỗ cho sự điều hành theo nguyên tắc thị trường.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có một môi trường kinh doanh có thể tiên liệu được, muốn vậy phải dựa trên những văn bản pháp luật, chính sách có tính chất dài hạn, dựa trên những nguyên tắc nhất quán trong điều hành. Làm được điều này sẽ khuyến khích tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, dám chịu trách nhiệm của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới rất lớn, nhưng tôi cho rằng vẫn chưa cảm nhận được không khí hừng hực, sôi động khởi nghiệp kinh doanh như đã thấy, khi bắt đầu thời kỳ đổi mới, hay khi Luật Doanh nghiệp ra đời. Tôi rất kỳ vọng sự đổi mới trong chính sách pháp luật tới đây sẽ tiếp tục hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong thời gian tới, từ đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp còn khó khăn

Trong 9 tháng năm 2022, bình quân mỗi tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8,5 nghìn doanh nghiệp/tháng) và năm 2021 (gần 10 nghìn doanh nghiệp/tháng). Doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn về tài chính như thiếu vốn lưu động; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao; số lượng và lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu sụt giảm do sự thắt chặt chi tiêu của người dân ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam