Thu phí giao thông vào nội đô Hà Nội: Cần thiết nhưng không “nóng vội”

08:10 | 22/10/2022 Print
(TBTCO) - Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP. Hà Nội có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” đang ở bước nghiên cứu. Vì vậy, việc lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến phản biện của của các cơ quan chức năng đối trong lúc này là cần thiết.
Hà Nội nói gì về Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô? Hà Nội nói gì về Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô?

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa phát đi thông tin làm rõ về Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một ...

Thu phí giao thông vào nội đô Hà Nội: Cần thiết nhưng không “nóng vội”
Giao thông trên tuyến đường Vành đai 3 đi vào nội đô TP. Hà Nội luôn rơi vào cảnh ùn tắc, đặc biệt dịp cuối tuần hay lễ tết. Ảnh: QT

Không vội vàng áp dụng

Nhiều chuyên gia đề xuất, muốn thực hiện phương án thu phí để nhắm tới mục tiêu tác động vào ý thức của người dân, làm thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, Hà Nội phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân. Đồng thời phải ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc thu phí, tổ chức phân luồng từ xa đảm bảo không để xảy ra ùn tắc tại các trạm, không gây phiền hà cho người dân.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ, một số đô thị lớn trên thế giới đã áp dụng các biện pháp gia tăng thuế phí lên xe cơ giới cá nhân từ hàng chục năm qua. Chính nhờ những chế tài kinh tế nghiêm khắc đó, lượng xe cá nhân tại nhiều đô thị giảm đáng kể, ùn tắc giao thông cũng được kiềm chế, các chỉ số môi trường ở ngưỡng an toàn, tốt cho sức khỏe người dân.

“Tuy nhiên, người dân cần nhìn nhận rõ vấn đề, Hà Nội mới đang trong bước nghiên cứu, chưa áp dụng biện pháp thu phí như nói trên” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói.

Theo thống kê, TP. Hà Nội đã có khoảng 8 triệu dân, trên 7,4 triệu phương tiện, chưa kể một lượng lớn xe cơ giới từ các địa phương khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn. Tình trạng ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn mà thành phố đang phải đối diện từng ngày.

Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho biết, giao thông Thủ đô thường xuyên ùn tắc, do đó, giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân đi vào nội đô là cần thiết và thu phí nội đô cũng nhằm mục đích này. Tuy nhiên, hạn chế phương tiện cá nhân phải song song với phát triển phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay thế, nếu chỉ riêng thu phí nội đô thì không giải quyết được.

Nêu thực tế không có phương tiện công cộng trung chuyển, ông Nguyễn Văn Hải ở quận Long Biên chia sẻ, chấp nhận mất phí để đi vào nội đô còn rẻ hơn gấp nhiều lần phải đi taxi để giải quyết công việc. Khi đó, sẽ có tình trạng thu phí vào nội đô, nhưng hệ thống giao thông công cộng không đồng bộ thì vẫn không khả thi. Sẽ có tình trạng người có tiền mua ô tô để đi, sẽ không tiếc 55.000 đồng để lái xe vào nội đô giải quyết công việc. Khi đó, lượng xe vào nội đô vẫn như vậy, mục tiêu giảm ùn tắc không đạt được.

Về vấn đề trên, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, thu phí nội đô không mới, tuy nhiên phải xem xét điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông của Hà Nội để có giải pháp một cách thích hợp, nếu không sẽ trở thành bắt chước một cách "ngây ngô". Theo ông Vân, với dự kiến thu phí nội đô của Hà Nội qua 100 trạm kiểm soát như một lưới bủa vây nội đô, cần hết sức thận trọng vì chưa biết sẽ thu được bao nhiêu, nhưng tiền chi cho đội ngũ quản lý sẽ tăng lên nhiều lần.

Thu phí giao thông vào nội đô Hà Nội: Cần thiết nhưng không “nóng vội”
Đề án chỉ có thể hiện thực hóa được khi Hà Nội đảm bảo các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông. Ảnh: QT

Theo đúng tinh thần chỉ đạo

Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội khẳng định, phương án thu phí phương tiện xe cơ giới sẽ chỉ nghiên cứu áp dụng đối với một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cao tại Thủ đô. Loại phí này sẽ có tên định danh là phí giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Người sử dụng phương tiện có thể lựa chọn không trả phí và đi theo cung đường khác, hoặc phương tiện công cộng thuộc diện không phải đóng phí, nghĩa là loại phí không bắt buộc.

Cũng theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, thời gian qua sở vẫn lắng nghe những ý kiến của người dân, cơ quan báo chí truyền thông về vấn đề này để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh đề án, chứ không áp đặt việc thu phí khi các điều kiện không cho phép.

Mặt khác, ngày 19/6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về “Thí điểm một số cơ chế chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội”. Ngày 16/10/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 10040/VPCP - KTTH về đề nghị của TP. Hà Nội để thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn 2030”. Ngày 5/4/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường đảm bảo trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.

Trong nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Nghị quyết giao UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh ngoài triển khai các nội dung theo quy định tại khoản 14 Mục này, cần tập trung nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

“Đây là cơ sở quan trọng để Sở GTVT Hà Nội giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội nghiên cứu và xây dựng đề án theo đúng tinh thần chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền” - lãnh đạo Sở GTVT nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng chia sẻ, các nội dung phản biện xã hội, những ý kiến đa chiều từ người dân, truyền thông là hết sức cần thiết và luôn được tiếp thu một cách cầu thị nhất. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội đã ký hợp đồng tư vấn với Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải để tiến hành nghiên cứu và xây dựng đề án. Hiện nay, đề án đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Bà Trần Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, theo đề án, ranh giới khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Trên cơ sở các tuyến đường khép kín, dự kiến sẽ có 68 vị trí với 87 trạm thu phí được đặt, áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC), kết hợp công nghệ thu phí với hệ thống camera giám sát để đảm bảo không gây ùn tắc giao thông tại các trạm. Thời gian đề xuất thu phí xe ô tô vào nội thành thuộc khung giờ từ 5 - 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.

Quốc Trí-Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam