Xây dựng các kịch bản ứng phó với biến động hàng hóa tăng giá

08:34 | 26/10/2022 Print
(TBTCO) - Báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính cho biết, đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó với biến động tăng giá các mặt hàng chiến lược, kiểm soát lạm phát.

Giữ lạm phát thấp trong bối cảnh thế giới tăng cao

Đối với nhiệm vụ xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động giá của một số mặt hàng để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, Bộ Tài chính cho biết, với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các kịch bản ứng phó với biến động tăng giá các mặt hàng chiến lược, nhằm kiểm soát lạm phát bình quân theo mục tiêu đề ra.

Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính và ý kiến thảo luận của các thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá tại các cuộc họp, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm.

Đến nay, lạm phát cơ bản được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

Nguồn: Báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, lạm phát là một trong các chỉ tiêu thách thức nhất của năm 2022. Tuy nhiên, qua 9 tháng cho thấy, khả năng lạm phát vẫn được kiểm soát dưới 4%, trong khi các nước trong khu vực lạm phát tương đối cao. Ví dụ như: Lào lạm phát trên 30%, Myanmar trên 20%, Philippines gần 7%... Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, năm nay Ban Chỉ đạo điều hành giá họp nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó có nhiều thời điểm rất căng thẳng. Các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp tốt và nhiều chính sách đã được triển khai thực hiện như chính sách tài khóa nới rộng, chính sách tiền tệ tương đối thận trọng. Chính sách tài khóa mở rộng như miễn, giảm thuế… đã tác động quan trọng tới kiểm soát lạm phát.

Điều đáng lo ngại đó là, một số giá dịch vụ công chưa được điều chỉnh, do từ đầu năm lo ngại ảnh hưởng đời sống người dân, song mức lạm phát năm nay vẫn giữ được dưới 4%. Giá dịch vụ y tế năm 2021, 2022 giữ lại chưa tăng. Giá điện đang giữ ổn định nhưng cần phải xây dựng thị trường điện cạnh tranh hơn. “Hiện nay đang bù giá chéo, than bù giá cho điện, thủy điện bù cho nhiệt điện, Nhà nước bù cho khu vực khác, khu vực trong nước bù cho ngoài nước...” - Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho hay.

Giám sát chặt biến động giá mặt hàng thiết yếu

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian còn lại của năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao, cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.

Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá năm 2022 tại các kết luận, chỉ đạo đã ban hành.

Giảm thuế góp phần kiểm soát lạm phát

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng số tiền giãn, giảm thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là rất lớn, lên tới 233 nghìn tỷ đồng. Việc tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Trong đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới, các biện pháp ứng phó của các nước; đặc biệt tại các nước lớn, các đối tác thương mại quan trọng của nước ta; cập nhật sát tình hình cung cầu giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Bộ Tài chính cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động trong việc đề xuất, xây dựng các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường. Theo đó, phải đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.

Đồng thời, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Chấp nhận giảm thu, giảm mạnh thuế để hỗ trợ nền kinh tế

Đối với các mặt hàng cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Như thời gian qua, trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đề ra, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, tổng giảm thu ngân sách nhà nước do việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (gồm Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15) khoảng 33.488 tỷ đồng.

Đối với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 224/TTr-BTC ngày 30/9/2022 về Dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Theo đó, trình Quốc hội có quyết nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô và đời sống người dân.

Được biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai phương án hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao.

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc tiếp tục đề xuất giảm thuế đối với xăng dầu của Bộ Tài chính, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Do xăng dầu tăng liên tục và hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử, nên đã hình thành một mặt bằng giá mới, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã tăng từ 5 - 10%, có loại tăng cao từ 25 - 30%, đã tác động xấu tới đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, người nghèo và người có thu nhập thấp. Giảm thuế sẽ làm giảm giá mặt hàng này, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi lạm phát đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Trần Thắng

© Thời báo Tài chính Việt Nam