Hướng dòng tín dụng ngân hàng vào các dự án thân thiện môi trường

11:52 | 27/10/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 27/10, Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hội thảo “Tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN).

Hướng dòng tín dụng ngân hàng vào các dự án thân thiện môi trường
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc NHNN phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Chí Tín
Giải pháp phòng ngừa, đẩy lùi “tín dụng đen” Những giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả vốn tín dụng cho đồng bào dân tộc, miền núi

Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.​

Theo chia sẻ của đại diện BIDV, tính tới 30/09/2022, BIDV hiện dẫn đầu thị trường về tài trợ các dự án xanh với 1.210 khách hàng và dự án, tổng số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 61.700 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng xanh khoảng 49.000 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ BIDV.

Dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có hơn 800 dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với tổng số tiền cấp tín dụng hơn 53.200 tỷ đồng, (chiếm khoảng 97% dư nợ tín dụng xanh). Tính riêng các dự án điện gió, điện mặt trời có quy mô vay vốn trên 500 tỷ đồng, trong giai đoạn 2020-2021, BIDV đã tài trợ 25 dự án với tổng số tiền cho vay khoảng 23.400 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

Đề xuất về chính sách khuyến khích phát triển các dự án xanh cũng như đẩy mạnh hoạt động tài chính xanh thời gian tới, ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, chính sách cần tập trung 2 công cụ. Một mặt cần có chế tài xử phạt các doanh nghiệp có vi phạm môi trường và mặt khác cần khuyến khích các doanh nghiệp có các dự án xanh, thân thiện môi trường.

Một số chính sách của ngành Ngân hàng cho tín dụng xanh

Tại hội thảo, đại diện NHNN đã chia sẻ một số chính sách thời gian qua của ngân hàng trong việc khuyến khích các ngân hàng đầu tư tín dụng xanh.

Định hướng của ngành Ngân hàng là tăng cường nhận thức và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Theo đó, các chính sách cũng hướng dòng vốn tín dụng vào dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thời gian tới cũng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam