Thống nhất một đầu mối quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công thương là hợp lý

16:38 | 29/10/2022 Print
(TBTCO) - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính cho rằng, việc giao toàn bộ công tác quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức xăng dầu là hợp lý, sẽ đảm bảo cho việc quản lý nhà nước thống nhất. Bộ Công thương có thể chủ động trong điều hành hoạt động của doanh nghiệp đầu mối, đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất cho đời sống và sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, doanh nghiệp Điều hòa nguồn cung xăng dầu: “Chìa khóa” trong tay Bộ Công thương Đề xuất thống nhất một cơ quan quản lý mặt hàng xăng dầu để điều hành chủ động

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò điều hành của Bộ Công thương, Bộ Tài chính trong quản lý giá và hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, chúng ta phải rõ vai giữa hai bộ, các vấn đề quản lý doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo nguồn cung là trách nhiệm của Bộ Công thương.

Trách nhiệm thiếu xăng dầu là của Bộ Công thương, bộ có chức năng trong điều phối doanh nghiệp đầu mối, điều phối doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ chưa tốt nên đã dẫn tới tình trạng ngưng bán hàng, bán hàng nhỏ giọt tại nhiều tỉnh, thành phố, kể cả TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Thống nhất một đầu mối quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công thương là hợp lý
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh-chuyên gia tài chính.

Bộ Công thương có quyền năng phân giao chỉ tiêu nhập khẩu cho các doanh nghiệp đầu mối theo từng tháng, từng tỉnh, từng địa phương căn cứ theo nhu cầu. Tuy nhiên, Bộ Công thương phân, giao không rõ, và khẳng định không thiếu nguồn cung nhưng giao chỉ tiêu theo năm, không giao chi tiết hàng về ngày nào, quý nào, địa bàn nào nên thực tế đã xảy ra thiếu hàng từ các doanh nghiệp nhập khẩu đến doanh nghiệp phân phối, bán lẻ…

Tiếp đến là cơ chế quản lý doanh nghiệp của Bộ Công thương chưa rõ ràng. Quản lý làm sao để khâu đầu mối, khâu trung gian cũng như bán lẻ tương đối độc lập với nhau, để có thể xác định được ai làm tốt sẽ được hưởng lãi, làm chưa tốt chịu lỗ, thậm chí phá sản. Hiện nay cơ chế quản lý chưa rõ ràng, doanh nghiệp đầu mối lỗ đổ cho trung gian, trung gian lỗ lại đổ cho doanh nghiệp bán lẻ. Trong khi doanh nghiệp bán lẻ làm tốt nhưng doanh nghiệp đầu mối cứ chiết khấu bằng 0 hoặc âm nên dẫn tới hiện tượng thua lỗ, ngưng bán hàng trong thời gian qua.

Về phía Bộ Tài chính, có vai trò quản lý giá, tôi cho rằng, Bộ đã tích cực phối hợp với Bộ Công thương trong việc điều chỉnh giá định mức, chi phí logicstics, thực hiện các yêu cầu về giảm thuế; yêu cầu hải quan tạo thuận lợi cho việc thông quan nhanh chóng cho mặt hàng xăng dầu.

Hơn nữa, việc kiểm tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp của Bộ Công thương cũng chưa hiệu quả. Việc doanh nghiệp được giao nhập khẩu xăng dầu nhưng không nhập, Bộ Công thương có nắm được không. Từ trước đến nay chưa một doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu nào bị kỷ luật do nhập khẩu không đúng kế hoạch, đúng thời gian.

Cơ quan hải quan thông báo tháng 9/2022 nhập khẩu tăng 40% nhưng cả quý III/2022 lượng nhập khẩu vẫn giảm, xăng giảm 40%, dầu giảm 35% so với quý II/2022. Như vậy, Bộ Công thương chưa giám sát chặt chẽ việc nhập hay không nhập khẩu của doanh nghiệp xăng dầu.

Tôi cho rằng, từ cơ chế quản lý, cách thức phân chia, kiểm tra giám sát, cho đến kế hoạch nhập khẩu xăng dầu chưa hiệu quả nêu trên, Bộ Công thương cần rà soát và củng cố lại.

PV: Thưa ông, để đảm bảo điều hành chủ động, đặc biệt là đảm bảo nguồn cung xăng dầu, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP theo hướng giao toàn bộ công tác quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức xăng dầu. Ông bình luận thế nào về đề xuất này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính nêu trên là hợp lý, rõ ràng Bộ Công thương muốn có cơ chế hoàn chỉnh để doanh nghiệp đầu mối hoạt động tương đối độc lập, doanh nghiệp trung gian cũng độc lập, doanh nghiệp bán lẻ độc lập thì cần có cơ chế về giá. Khi đó các cơ chế, quy định về định mức chiết khấu hợp lý, có như vậy doanh nghiệp mới đảm bảo tính độc lập, doanh nghiệp kinh doanh tốt được lãi nhiều, kinh doanh không hiệu quả tự đóng cửa, phá sản.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh-chuyên gia tài chính:  Bộ Công thương có trách nhiệm đảm bảo nguồn cung và lập lại trật tự kinh doanh xăng dầu
Cần lập lại trật tự cung ứng xăng dầu trên cơ sở giao cho Bộ Công thương thống nhất quản lý. Ảnh: Hải Anh

Như vậy nếu sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP giao cho Bộ Công thương trực tiếp quản lý, điều hành, chỉnh sửa giá cả tiêu thức cũng hợp lý để từ đó bộ xây dựng lên cơ chế hoạt động cho doanh nghiệp đầu mối, trung gian, bán lẻ độc lập với nhau, có cơ chế định mức rõ ràng. Bộ Công thương cũng có thể chủ động điều chỉnh giá cả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất cho đời sống và sản xuất kinh doanh.

PV: Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu và làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng. Nước ta hiện có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Trung Quốc Nhật Bản cũng chỉ có 4-5 doanh nghiệp đầu mối; hơn nữa doanh nghiệp phân phối xăng dầu cũng có đến hàng trăm doanh nghiệp, điều này đang làm cho hoạt động cung ứng xăng dầu thêm phức tạp, kém hiệu quả?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng cần lập lại trật tự hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo tôi nắm được, hiện nay, nước ta có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, 332 thương nhân phân phối thuộc trách nhiệm cấp phép và quản lý của Bộ Công thương và 17.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu do chính quyền địa phương cấp phép và quản lý.

Thông thường mọi người nghĩ rằng nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thì sẽ có cạnh tranh tự do và bình đẳng. Nhưng thực tế cho thấy, kinh doanh xăng dầu rất khác với các loại hàng hoá khác. Đối với xăng dầu nhập khẩu trên thị trường tài chính quốc tế, nhập khẩu theo kỳ hạn và thường kỳ hạn ngắn là 10-15 ngày, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần dự báo được tình hình nhu cầu giá thị trường trong thời gian tới.

Do đó, trong lĩnh vực này rất cần có các chuyên gia đàm phán, nắm vững xu thế thị trường thế giới và trong nước, từ đó đưa ra cách thức, thời điểm mua bán. Nhưng nếu như nhiều doanh nghiệp đầu mối sẽ dẫn đến tranh mua, tranh bán; mua ở thời điểm cao đến khi nhập về bán trong nước thì giá bán xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm dẫn đến thua lỗ như vừa qua.

Như vậy tôi cho rằng, việc đề xuất giao toàn bộ công tác quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công thương là hợp lý. Bộ Công thương có thể chủ động “cầm cân nảy mực”, lập lại trật tự hoạt động cung ứng xăng dầu. Đồng thời chủ động phương án làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng, dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất.

-PV: Xin cảm ơn ông!

Báo cáo trước nghị trường Quốc hội trong chiều ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, để giúp ổn định giá các mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường với tổng mức giảm khoảng 28.000 tỷ đồng, giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 10%. Chi phí xăng dầu, premium cũng đã được tăng 2 lần trong năm nay. Định mức chi phí vận chuyển và quản lý của 1 lít xăng RON92 đã vào khoảng gần 2.000 đồng.

Tới đây, Bộ Tài chính cũng sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95/2021NĐ-CP theo hướng giao toàn bộ công tác quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo tăng cường điều hành chủ động nguồn cung, chủ động trong điều chỉnh chi phí định mức, tháo gỡ các khó khăn để đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất cho đời sống và sản xuất kinh doanh.

Song Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam