Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023:

Thận trọng, đúng năng lực nền kinh tế

08:38 | 31/10/2022 Print
(TBTCO) - Chiều 28/10, trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu, giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề đại biểu quan tâm. Theo Bộ trưởng, dự báo năm 2023 còn rất nhiều khó khăn nên mức dự toán thu ngân sách nhà nước chỉ tăng thấp để đảm bảo thận trọng, đúng năng lực nền kinh tế và chủ động chắc chắn trong điều hành ngân sách.

Chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột cho nền kinh tế

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch, chúng ta đã có một năm điều hành, quản lý kinh tế - xã hội thành công, với GDP tăng khoảng 7,5 - 8%, xuất siêu trên 8 tỷ USD, bội chi ngân sách ước 3,74% GDP, dưới mức dự toán đầu năm (nếu tính cả chi cho gói phục hồi thì bội chi là 4,5% GDP).

Trong đó, chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột cho nền kinh tế. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 ước đạt 1.614,1 nghìn tỷ đồng, vượt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán và tăng 2,9% so với kế hoạch năm 2021. Đặc biệt, thu nội địa vẫn đạt mức tăng 9,8%.

Có được kết quả thu tích cực này, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, là nhờ Chính phủ đã thực hiện một số giải pháp miễn, giảm thuế, phí… lớn nhất từ trước đến nay, ước tính khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó là các biện pháp giúp tăng quản lý thu ngân sách như phát hành hóa đơn điện tử, xây dựng cổng thông tin điện tử xuyên biên giới (9 tháng thu được 3.167 tỷ đồng từ 37 tập đoàn công nghệ quốc tế), quay số điện tử hóa đơn may mắn, kiểm soát thuế trong chuyển nhượng bất động sản (giúp tăng thu khoảng 15.000 tỷ đồng), tăng cường chống chuyển giá…

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 28/10.
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 28/10.

Về dự toán chi NSNN, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, chi thường xuyên đã giảm được 10%; tích cực đàm phán điều chỉnh cơ cấu nợ và giảm nợ, lãi phải trả; thành lập Quỹ Vắc-xin với mức thu được gần 11.000 tỷ đồng (còn dư 2.875 tỷ đồng)…

Đối với dự toán năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá là năm rất khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng cao, xăng dầu thiếu ổn định, lãi suất tiền gửi và tiền vay trong nước cũng tăng, tỷ giá biến động lớn, room tín dụng thắt chặt, thị trường vốn khó khăn... Đặc biệt, lạm phát thế giới tăng cao sẽ tác động mạnh mẽ đến điều hành kinh tế - xã hội năm tới. Những yếu tố này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến nhiều khó khăn. Do đó, để đảm bảo thận trọng, đúng năng lực nền kinh tế, chủ động chắc chắn trong điều hành ngân sách, dự toán thu NSNN năm 2023 Chính phủ đặt ra là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, là mức tăng thấp. Tuy nhiên, với thu nội địa vẫn đặt tỷ lệ tăng thu cao, khoảng 7,8%.

Dẫn chứng về xu hướng khó khăn trong thu ngân sách, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin qua theo dõi thu, có khoảng 12 tỉnh thu nội địa năm nay có khả năng không đạt dự toán được giao. Thu từ các loại thuế, xuất nhập khẩu… có xu hướng giảm trong vài tháng gần đây.

Đề xuất giao toàn bộ việc quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công thương

Liên quan đến việc kiểm soát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lãnh đạo ngành Tài chính giải thích, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rất đơn giản, được khuyến khích phát hành trên nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

Hiện nay, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1.204.000 tỷ đồng, chiếm 12,8% GDP, bằng khoảng một nửa so với con số mục tiêu đến năm 2030 đạt khoảng 25% GDP của Chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ đề nghị sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán… và các nghị định liên quan để kiểm soát chặt chẽ, minh bạch, tạo nguồn cung vốn trung và dài hạn ổn định cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Một vấn đề nữa cũng được nhiều đại biểu quan tâm là quản lý xăng dầu. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, so với nhu cầu xăng dầu của nước ta khoảng 19,2 triệu tấn/năm, nguồn từ sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu không đạt kế hoạch đề ra, nên vẫn thiếu hụt nguồn cung.

Dự toán bội chi 2,89% GDP là con số hợp lý

Về con số nhiều đại biểu băn khoăn là tỷ lệ bội chi ở mức thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích, mức dự toán bội chi năm 2023 là 2,89% GDP là mức bình thường, cộng với bội chi cho gói phục hồi kinh tế ước khoảng 1,53% GDP, như vậy tổng bội chi năm 2023 cũng là 4,42% GDP, (số tuyệt đối là 455 nghìn tỷ đồng). Nếu so sánh với bội chi 2 năm vừa qua, thì đây là con số hợp lý. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết giải ngân đang khó khăn, hơn nữa nếu nâng bội chi lên thì phải vay nhiều hơn, mà giai đoạn này vay hiệu quả không cao.

Để giúp ổn định giá các mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường, với tổng mức giảm khoảng 28.000 tỷ đồng, giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 10%. Chi phí định mức, premium với xăng dầu cũng đã được tăng 2 lần trong năm nay. Định mức chi phí vận chuyển và quản lý của 1 lít xăng RON92 đã vào khoảng gần 2.000 đồng. Hiện nay, Bộ Tài chính đã có văn bản ngày 21/10/2022 xin ý kiến các công ty đầu mối, Bộ Công thương để tiếp tục nâng chi phí định mức, tuy nhiên chưa nhận được nhiều ý kiến phản hồi.

Tới đây, Bộ Tài chính cũng sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP, theo hướng giao toàn bộ công tác quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo tăng cường điều hành chủ động nguồn cung, chủ động trong điều chỉnh chi phí định mức, tháo gỡ các khó khăn để đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất cho đời sống và sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Cần có giải pháp căn cơ, lâu dài cho thị trường xăng dầu

Thị trường xăng dầu bất cập thời gian qua khi thiếu nguồn cung cục bộ là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội tiếp tục đề cập tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch, dự toán năm 2023 diễn ra sáng 28/10.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), Việt Nam có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70 - 80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Nhưng thời gian qua đã xảy ra hiện tượng "hết xăng" tại một loạt các cây xăng ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. "Việc xăng dầu thiếu thật hay giả cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài" - đại biểu đề nghị.

Đây cũng là vấn đề các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) đề cập tại phiên thảo luận ngày 27/10.

Trả lời về vấn đề này tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là điều “rất đáng tiếc và bất thường”.

Về nguyên nhân tình trạng này, ngoài nguyên nhân khách quan từ thế giới như biến động tỷ giá, đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng còn nguyên nhân chủ quan trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh đó, “việc cơ quan chức năng triệt phá thành công một số vụ buôn lậu, làm giả xăng dầu với số lượng lớn cũng ít nhiều ảnh hưởng”.

Để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là tập trung chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ của mình để kịp thời chi viện trong điều hành; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng. “Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò cung ứng cho xã hội cho mặt hàng đặc biệt này” - Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Đồng thời, để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ và có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được ở thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều biến động, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam