Giới siêu giàu bị cáo buộc đầu cơ máy bay cá nhân kiếm lời

11:14 | 17/11/2013 Print
Thời đại của những vụ chuyển nhượng tư gia, hay bất động sản dường như đang lỗi mốt và giới siêu giàu đã tìm ra con đường dẫn tới những khoản lợi nhuận nhanh chóng: chuyển nhượng những chiếc siêu tàu bay của họ.

Nhu cầu cho chiếc G650 rất lớn, đến nỗi mà nếu bây giờ hợp đồng mua máy bay thì sẽ phải đợi đến Quý 3 năm 2017 mới có thể nhận được hàng.- Ảnh: Gulfstream

Nhu cầu đối với chiếc máy bay phản lực Gulfstream G650 – chiếc máy bay dân dụng được coi là lớn nhất và đắt nhất hiện nay, đến nỗi mà chủ nhân của các siêu phản lực này đã bắt đầu nghĩ đến việc chuyển nhượng lại để thu lời. Trong một vài vụ giao dịch, những người bán thu lãi về từ 5 triệu USD tới 7 triệu USD mỗi lần chuyển nhượng. Tỷ phú Bernie Ecclestone, ông trùm đua xe công thức một gần đây đã nhượng lại chiếc G650 của mình cho một doanh nhân Châu Á với giá 72 triệu USD, thu lời ít nhất 6 triệu USD so với giá mua lúc đầu, giới thạo tin cho biết. Giao dịch này lần đầu tiên được đăng tải trên BizjetBlogger chỉ một tuần sau khi Ecclestone nhận được hàng giao từ hãng Gulfstream. “Tôi rất tiếc khi đã bán chiếc G650”, Ecclestone chia sẻ với CNBC trong một e-mail và nói thêm rằng: “Đó là một chiếc máy bay hoàn hảo về mọi mặt”. Ecclestone cũng không quên nhắc lại một số thông tin đăng tải trước đó cho biết, chiếc G650 quá lớn so với một số sân bay yêu thích của tỷ phú này. Các nhà trung gian mua bán và tư vấn về máy bay phản lực cho biết có ít nhất hai tỷ phú khác đã bán lại chiếc G650 của mình. Một trong số đó là một tỷ phú người Mỹ đang đàm phán với một người mua đến từ châu Á. Cũng liên quan tới các vụ chuyển nhượng loại này có các tỷ phú tới từ Nga, châu Mỹ La tinh và Trung Đông. Những vụ chuyển nhượng này cho thấy nhu cầu cao của thị trường về chiếc máy bay tư nhân khoang rộng, lớn nhất và đắt nhất hiện nay trong khi thị trường máy bay phản lực vẫn khá ảm đạm. Theo các nhà trung gian thì số lượng máy bay phản lực giảm hơn 30% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2008 và giá một vài loại máy bay đã giảm xuống gần một nửa. Tuy nhiên, các loại máy bay khoang rộng vẫn là mặt hàng “hot” đối với những tỷ phú hay các tập đoàn lớn. Với khoang máy bay rộng, loại máy bay này có thể chở được nhiều hành khách hơn trên hành trình xa hơn và tiện nghi hơn rất nhiều. Chiếc G650 với mức giá cơ sở 64,5 triệu USD là ông hoàng của các loại máy bay cá nhân khoang rộng khi có thể bay liên tục 7.000 dặm và đạt tốc độ tối đa Mach 0,925 ( 1.135 km/h). Trong khi đó, nguồn cung của G650 khá khiêm tốn. Kể từ khi được tung ra thị trường vào năm ngoái, chỉ có khoảng 30 tới 35 chiếc G650 được giao. Chiếc phản lực này được coi là chiếc máy bay mà các tỷ phủ trên thế giới đều muốn sở hữu, Ralph Lauren và Oprah Winfrey cũng đang đặt hàng loại này. Nhu cầu cho chiếc G650 rất lớn, đến nỗi mà nếu bây giờ hợp đồng mua máy bay thì sẽ phải đợi đến Quý 3 năm 2017 mới có thể nhận được hàng. Đó là lý do vì sao nhiều tỷ phú sẵn sàng trả cao hơn 70 triệu USD để có được ngay chiếc G65. Gulfstream G650 được xem là máy bay cá nhân xa xỉ nhất hiện nay Nhưng những giao dịch này lại là con dao hai mặt đối với hãng Gulfstream, vì chúng chứng tỏ nhu cầu cũng như giá trị cao của sản phẩm của Gulfstream cũng giúp các khách hàng của họ kiếm được nhiều triệu đô-la các vụ sang nhượng lại. Tuy nhiên, hãng sản xuất máy bay danh tiếng cho biết họ không biết chi tiết về các vụ chuyển nhượng này. “Nếu các khách hàng của chúng tôi thực sự kiếm lời được từ những vụ chuyển nhượng này thì càng chứng tỏ khả nằng đáng kinh ngạc của G650.” Vấn đề thực sự cho hãng là khách hàng đang cố bán máy bay dù họ vẫn chưa được giao hàng. Theo Gulfstream, khách hàng sẽ không thể bán lại khi chiếc máy bay chưa được giao cho họ. Điều này để tránh đầu cơ, một hiện tượng không tốt cho thị trường. Công ty này cũng đưa vào hợp đồng điều khoản không cho phép chủ nhân của các chiếc máy bay này được quyền nhượng lại trong một khoảng thời gian nhất định, sau khi ký hợp đồng. Một vài khách hàng đã cố gắng lách điều khoản này bằng cách mua máy bay dưới tên một hãng hàng không mới, rồi sau đó sẽ bán cho một người khác để chuyển quyền sở hữu như một hợp đồng kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà trung gian môi giới cũng cho biết, Gulfstream đã biết được mánh khóe này và đang yêu cầu người đứng tên ký trong hợp đồng phải là người nhận hàng cuối cùng. “Họ đang thực sự làm hết sức để ngăn chặn các vụ chuyển nhượng kiểu như trên,” Jay Duckson, một đại diện của Central Business Jets cho biết.

Bích Hường (Theo CNBC)

Bích Hường (Theo CNBC)

© Thời báo Tài chính Việt Nam