Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công thương thống nhất đầu mối quản lý xăng dầu

20:13 | 02/11/2022 Print
(TBTCO) - Chiều 2/11, trả lời báo chí, một số đại biểu Quốc hội đề nghị nên thống nhất đầu mối quản lý xăng dầu về Bộ Công thương, gồm cả việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức... Đồng thời, đề nghị tìm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp, chấm dứt tình trạng “người dân không có xăng dầu để mua”.
Đề xuất thống nhất một cơ quan quản lý mặt hàng xăng dầu để điều hành chủ động Thống nhất một đầu mối quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công thương là hợp lý Bộ Công thương có đầy đủ công cụ để quản lý toàn diện mặt hàng xăng dầu

Thiếu xăng dầu ở các đô thị là không chấp nhận được

Hiện nay, tại Hà Nội tình hình các cây xăng đóng cửa đã tạo khan hiếm xăng dầu. Một số cây xăng mở cửa nhưng chỉ bán 50.000 đồng/xe máy, không bán xăng cho ô tô. Nhiều cây xăng “nay đóng, mai mở” hoạt động cầm chừng, khiến việc người mua đổ dồn vào một số cây xăng còn mở bán, gây tình trạng chờ đợi kéo dài, khiến nhiều người dân bức xúc.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công thương thống nhất đầu mối quản lý xăng dầu
Tình trạng nhiều cửa hàng treo biển "Hết xăng" ngày càng nhiều. Ảnh TL

Chiều 2/11 bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí về những bức xúc này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thống nhất đầu mối quản lý xăng dầu về Bộ Công thương và bộ này cần phải nhanh chóng tìm nguyên nhân, từ đó có giải pháp kịp thời, không để tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa, không có xăng dầu phục vụ cho nhu cầu của người dân như hiện nay.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), một bộ quản lý sẽ linh hoạt. Tuy nhiên, ngoài xử lý bất ổn đang có trên thị trường, cơ quan quản lý cần thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức vận hành điều hành, quản lý; xác định được ranh giới nhà nước và thị trường.

Thủ tướng cho biết sẽ rà soát theo hướng 1 bộ quản lý duy nhất xăng dầu

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc nghiên cứu giao một đầu mối quản lý xăng dầu sẽ được thực hiện trong quá trình rà soát, sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Thủ tướng cho biết, cần phải rà soát kỹ, nhưng cơ bản sẽ theo hướng một bộ quản lý duy nhất xăng dầu. Riêng với những diễn biến bất ổn trên thị trường xăng dầu hiện nay, Thủ tướng cho biết đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, chỉ đạo các cơ quan quản lý, có giải pháp cho thị trường.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cách thức quản lý xăng dầu cần phải nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, xem họ có điều hành như nước ta không. Xăng dầu là thiết yếu đặc biệt cần sự điều tiết nhất định nhưng cũng không thể can thiệp một cách phi thị thường, những nguyên tắc của thị trường vẫn phải được tôn trọng.

Những bất ổn đang diễn ra trên thị trường như hiện nay, theo đại biểu Trịnh Xuân An, có thể lý giải do chiết khấu thấp, điều chỉnh chi phí kinh doanh... nhưng đây chỉ là lý do bề nổi. Bản chất là cơ chế điều hành xăng dầu phải thay đổi.

"Tôi cho rằng, ở đây câu chuyện linh hoạt, tuân thủ nguyên tắc thị trường đã không được đảm bảo, cho nên chúng ta cần thay đổi toàn diện. Một đất nước hội nhập, nền kinh tế mở với quy mô GDP vài trăm tỷ USD, đang có nhu cầu phát triển lớn lại thiếu xăng ở các đô thị, thành phố lớn thì không thể chấp nhận được, dù lý do gì đi nữa" - đại biểu Trịnh Xuân An chia sẻ.

Vẫn cần sự giám sát từ các cơ quan chuyên môn

Muốn làm rõ trách nhiệm, theo một số đại biểu Quốc hội, thì cần phải thay đổi ngay cách thức vận hành, điều hành thị trường.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách, để giải quyết tình trạng này, các giải pháp phải khẩn trương, kịp thời nhưng phải căn cơ lâu dài trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, lý do xảy ra tình trạng này một cách chính xác.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công thương thống nhất đầu mối quản lý xăng dầu
Người dân phải chờ đợi xếp hàng mua xăng khi nhiều cây xăng đóng cửa. Ảnh TL

Trả lời câu hỏi, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu, nhưng đến nay, tình trạng không được cải thiện, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, đại biểu Trần Văn Lâm cho hay: Việc để xảy đứt gãy nguồn cung không đủ nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng trong nước, trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, đó là Bộ Công thương. Bộ này phải chịu trách nhiệm làm rõ, sớm đề xuất được giải pháp khắc phục vấn đề này.

“Lý do là gì thì phải xem xét, kiểm tra làm rõ trên cơ sở từng số liệu cụ thể để thấy được tình hình là do phân bổ tỷ lệ chiết khấu trong quá trình phân phối giữa các khâu chưa thực sự hợp lý, chưa động viên được các cơ sở bán lẻ, chưa động viên họ tích cực phục vụ người tiêu dùng. Hoặc cũng có thể có nguyên nhân từ khâu nhập khẩu đầu vào, có thể trong giai đoạn giá dầu thế giới tăng cao, dù có hạn ngạch nhập khẩu nhưng một số doanh nghiệp e ngại khi giá tăng cao họ không ký kết được hợp đồng” - đại biểu Trần Văn Lâm nêu vấn đề.

Tuy nhiên, theo đại biểu, tất cả chỉ là phỏng đoán, cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ quá trình sản xuất, nhập khẩu, phân phối lưu thông trên thị trường, trên cơ sở đó mới làm rõ nguyên nhân và từ đó có giải pháp phù hợp.

Theo đại biểu, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội, sẽ tăng phân cấp, phân quyền quản lý với một số mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý về cho các bộ, ngành liên quan quản lý trực tiếp. Do đó, việc giao xăng dầu về Bộ Công thương quản lý là hợp lý, sẽ giảm tải đầu mối.

Một số đại biểu chia sẻ, khi Bộ Công thương chủ trì điều hành xăng dầu, cũng cần sự tham mưu, giám sát từ các cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện. Nhờ vậy, đảm bảo đồng bộ, toàn diện của các bộ ngành liên quan nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm của cơ quan chủ trì./.

Bộ Công thương quản lý cả điều hành giá và chi phí kinh doanh định mức

Trước đó, tại thảo luận kinh tế xã hội ngày 28/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công thương, gồm cả việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức...

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam