Mổ xẻ nguyên nhân chậm tiến độ, đội vốn của hầu hết các dự án EPC

22:26 | 02/11/2022 Print
(TBTCO) - Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, hạn chế điển hình nhất là chậm tiến độ và đội vốn. Đây là tồn tại của hầu hết các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Bên cạnh đó là vướng mắc pháp lý, tranh chấp hợp đồng, quyết toán và thanh lý hợp đồng.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại Bắc Kạn vẫn rất chậm Bộ Công thương lý giải về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư chậm Hà Nội: Bàn giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án

Đây là vấn đề được nêu tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC”, do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức ngày 2/11/2022.

Hầu hết các dự án EPC chậm tiến độ, đội vốn

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung cho biết, hiện nay việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (hợp đồng EPC) đã được thực hiện tại nhiều dự án, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ cao. Đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng EPC đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư, cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án, gói thầu.

Mổ xẻ nguyên nhân chậm tiến độ, đội vốn của hầu hết các dự án EPC

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc.

Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn bất cập, cơ chế chính sách liên quan còn chưa cụ thể hoặc chồng chéo khiến việc thực hiện các hợp đồng EPC còn nhiều khó khăn. Các chủ đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhiều dự án còn chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu nên các dự án đầu tư theo hình thức EPC chưa phát huy được các lợi ích vốn có của hình thức này. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này.

Báo cáo của KTNN cho biết, hạn chế điển hình nhất là chậm tiến độ và đội vốn. Đây là tồn tại của hầu hết các dự án thực hiện theo hình thức EPC. Ví dụ như: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, được phê duyệt năm 2008 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 11/2013. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã phải chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 3/2021; đồng thời tăng tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng, tương đương trên 205%);

Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, do Tập đoàn Dầu khí quốc gia làm chủ đầu tư, chậm tới 15 tháng và đội vốn 10.500 tỷ đồng. Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem), thi công chậm tiến độ 420 ngày, làm phát sinh hơn 527 tỷ đồng khoản chi phí lãi vay trong thời gian hợp đồng EPC bị kéo dài...

Bên cạnh đó là vướng mắc pháp lý, tranh chấp hợp đồng, quyết toán và thanh lý hợp đồng. Nội dung này đã được Chính phủ đề cập rất nhiều trong việc xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công thương; đồng thời cũng là các vướng mắc chung của nhiều dự án thuộc chuyên ngành, lĩnh vực khác.

Sớm ban hành văn bản hướng dẫn kiểm toán hợp đồng EPC

Từ thực tế kiểm toán các hợp đồng EPC, ông Lê Văn Duẩn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, trình bày tham luận đã nêu một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm toán hợp đồng EPC. Trong đó, vấn đề được nhấn mạnh là hầu hết các hợp đồng EPC tại Việt Nam được đàm phán và ký kết trên cơ sở hồ sơ thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư, mà hai nội dung này chỉ là khái toán và có độ chính xác không cao. Do đó, quá trình thực hiện hợp đồng thường nảy sinh nhiều tranh cãi về phát sinh hợp đồng liên quan đến việc viện dẫn các giải pháp thiết kế và tính toán nêu trong hồ sơ mời thầu vốn có độ chính xác không cao, tiến độ thực hiện hợp đồng vì thế mà cũng thường phải điều chỉnh.

KTNN
TS Vũ Đình Ánh phát biểu tại hội thảo

Các hợp đồng EPC hiện nay thường được xác lập thông qua lựa chọn nhà thầu EPC ngay sau khi thiết kế kỹ thuật tổng thể được phê duyệt. Khi đó chủ đầu tư sẽ phê duyệt thiết kế, không phê duyệt dự toán xây dựng các hạng mục công trình. Do vậy, việc kiểm soát chi phí cần tập trung ở khâu lập tổng mức đầu tư, giá gói thầu và công tác đấu thầu thương thảo hợp đồng.

Trường hợp kiểm toán viên có đủ cơ sở để giảm trừ giá trị dự toán phần xây dựng thuộc dự toán gói thầu EPC thì chỉ có thể kiến nghị chủ đầu tư thương thảo với nhà thầu EPC để giảm giá hợp đồng, qua đó giảm quyết toán hợp đồng EPC để tiết kiệm chi phí đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, nội dung này thường không khả thi do nhà thầu EPC sẽ viện dẫn nhiều khoản chi phí mà nhà thầu phải gánh chịu mà chưa được tính toán trong giá gói thầu EPC. Đây là một hạn chế trong quá trình kiểm toán nội dung này.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, từ thực tiễn và yêu cầu quản lý dự án theo hình thức tổng thầu EPC đang nổi lên một số vấn đề.

Một trong đó là do số lượng tổng thầu EPC có năng lực, uy tín và kinh nghiệm chưa nhiều nên việc lựa chọn nhà thầu còn rất hạn chế, hầu hết đều là chỉ định thầu mà chưa thể thực hiện đấu thầu để chọn được tổng thầu EPC tốt nhất cho dự án. Trường hợp buộc phải lựa chọn nhà thầu nước ngoài do không mời được nhà thầu trong nước phù hợp, một mặt không giúp cho sự phát triển của các nhà thầu trong nước, mặt khác, còn khiến cho một phần nguồn lực quốc gia, đặc biệt là nguồn lực ngân sách “chảy ra” nước ngoài, chưa kể sự phức tạp về pháp lý, thậm chí ngoại giao khi xảy ra tranh chấp hợp đồng EPC.

Để nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, các ý kiến khác trình bày tại hội thảo cho rằng, KTNN cần sớm ban hành các văn bản, quy định về phương pháp, hướng dẫn kiểm toán trong lĩnh vực hợp đồng EPC, trong đó lưu ý phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, áp dụng kiểm toán hoạt động trong việc thực hiện kiểm toán hợp đồng EPC.

Trong quá trình tổ chức kiểm toán hợp đồng EPC, nếu cần thiết, KTNN thực hiện thuê chuyên gia để thực hiện cùng KTNN. Đồng thời, KTNN tập trung kiểm toán các nội dung điều chỉnh hợp đồng EPC, nhất là các điều chỉnh liên quan đến vật tư, kỹ thuật, giá trị hợp đồng; tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ kiểm toán viên nhà nước gắn với lĩnh vực chuyên sâu là kiểm toán đầu tư dự án, kiểm toán dự án EPC.

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, dù hợp đồng EPC có hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể tránh khỏi những nội dung buộc phải điều chỉnh. Trong quá trình kiểm toán của KTNN, năm 2023 quy mô đầu tư công còn tăng gấp đôi, khối lượng công việc lớn, trong đó có hợp đồng EPC; cùng với các điều kiện về kinh tế vĩ mô đã có những biến động lớn, việc thay đổi trong hợp đồng EPC chắc chắn sẽ xảy ra. Trường hợp phát sinh tranh chấp, cần có cơ chế xử lý thỏa đáng, kịp thời. Đây là vấn đề phải đối mặt không chỉ với dự án EPC, mà cả các dự án đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước khác.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam