Thúc đẩy liên kết, phát triển vùng nguyên liệu để tiêu thụ nông sản

09:51 | 03/11/2022 Print
(TBTCO) - Trả lời phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cần có sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân, gắn liền với đó là phát triển vùng nguyên liệu.

PV: Thưa ông, liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu nông sản chưa bao giờ là vấn đề cũ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Ông nhận định như thế nào về sự cần thiết liên kết vùng trong lĩnh vực nông nghiệp?

Thúc đẩy liên kết, phát triển vùng nguyên liệu để tiêu thụ nông sản
Ông Nguyễn Quốc Toản

Ông Nguyễn Quốc Toản: Có thể nói liên kết kinh tế vùng luôn là chủ đề lớn từ trước đến nay, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay sản phẩm nông sản đã xuất khẩu đi gần 200 quốc gia trên thế giới và chúng ta đang thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, nông sản Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu, đòi hỏi của thị trường kinh tế toàn cầu và trong bối cảnh hiện nay thì rõ ràng không chỉ cạnh tranh trong chính thị trường nội địa mà còn phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu có cùng lợi thế. Điều đó dẫn tới yêu cầu phải tổ chức lại sản xuất, phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương trong một không gian phát triển chung để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, đồng bộ hóa các vấn đề logistics trong từng vùng nhiên liệu. Đó cũng là vấn đề đặt ra trong những năm qua của ngành nông nghiệp.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp, với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 thì chúng ta phải chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp có trách nhiệm, có sự minh bạch và chuẩn hóa rõ ràng. Nghĩa là từng vùng nguyên liệu phải được chuẩn hóa; từng vùng nguyên liệu đó cũng phải gắn với công tác chế biến chuẩn hóa thì mới phù hợp với định hướng của thị trường là nâng cao giá trị gia tăng, đem lại lợi ích cho người nông dân. Để làm được điều đó thì sự liên kết giữa doanh nghiệp (DN), người nông dân, chủ thể hợp tác xã (HTX) và sự sâu sát của chính quyền cơ sở là những thành tố căn cơ.

Chúng tôi rất mong muốn việc liên kết vùng lần này đặt trong bối cảnh Quốc hội sẽ có sự bàn thảo và sửa đổi Luật HTX, Luật Đất đai, là cơ hội để chúng ta hoàn thiện thể chế phục vụ lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như đáp ứng các yêu cầu từ thị trường và thu hút DN, HTX tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thúc đẩy liên kết, phát triển vùng nguyên liệu để tiêu thụ nông sản
Đóng gói sản phẩm trà hoa vàng tại Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (Ba Chẽ).

PV: Như vậy, để liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế không thể thiếu sự liên kết giữa HTX và DN, nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ông bình luận gì về vai trò của các bên trong việc liên kết này?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Thời gian qua, sự tham gia mạnh mẽ của khu vực DN trong lĩnh vực nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Không có DN thì sẽ không có người định hướng, dẫn dắt người nông dân. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa DN, nông dân, HTX phải rất tự nguyện. Sự tự nguyện này không chỉ đến một cách tự nhiên mà nó được đặt trong một cơ chế phối hợp với nhau, tức là phải cùng làm.

Theo đó, người nông dân phải làm chủ được không gian sản xuất của mình, phải có đầy đủ thông tin. DN phải có uy tín, cơ chế quản trị, nguồn lực để cùng song hành với người nông dân, bao tiêu sản phẩm. HTX là nơi hội tụ của các xã viên theo một cơ chế hoạt động là cùng giảm được chi phí trong sản xuất để tối đa hóa lợi ích của các chủ thể.

Như vậy, liên kết bền vững phải xuất phát từ sự tự nguyện nhưng trong một cơ chế, một chỉnh thể mà phải tương tác mạnh mẽ với nhau, trong đó HTX, DN và người nông dân là ba góc cạnh, 3 thành tố rất quan trọng để chúng ta tập trung thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu đặt ra là cần hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô 166.800 ha. Phạm vi 5 vùng sản xuất nguyên liệu thuộc 13 tỉnh. Cùng với đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân sản xuất nguyên liệu; giảm chi phí sản xuất đầu vào từ 5 - 10%; giảm tổn thất sau thu hoạch 5 - 10% và gia tăng giá trị từ 10 - 20%.

PV: Trước bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động thì vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của DN, HTX lại càng trở thành vấn đề cấp bách. Theo ông, chúng ta cần làm gì để tăng cường sự liên kết này cũng như đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Thế giới đang đứng trước những xu hướng mới mà nếu không theo kịp thì chúng ta tụt hậu như: giảm tiêu thụ sản phẩm động vật, người trẻ thế giới ưa sản phẩm hữu cơ nhanh, gọn, tiện, có không gian tiêu dùng; xu hướng chuyển đổi số cũng đẩy mạnh không ngừng...Vì vậy, sản phẩm nông sản cần hàm lượng chế biến sâu và tinh thông qua xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có hạ tầng giao thông vận tải thuận lợi.

Đối với vùng nông sản, cần xây dựng vùng nguyên liệu theo yêu cầu thị trường, áp dụng được công nghệ hiện đại. Tổ chức lại sản xuất cho người nông dân, DN, khi tham gia liên kết với người nông dân thì phải nhìn ra được nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, cần giảm chi phí sản xuất, tổn thất thu hoạch, gia tăng giá trị cho nông sản. Đồng thời, hình thành các tổ khuyến nông cộng đồng, lực lượng cơ sở tại chỗ làm dịch vụ nông nghiệp phục vụ người nông dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam