TP. Hồ Chí Minh: Thu ngân sách năm 2022 dự kiến vượt kế hoạch 40 nghìn tỷ đồng

20:44 | 03/11/2022 Print
(TBTCO) - Sau 10 tháng, tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện sự tích cực ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng như sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, thu ngân sách… Mặc dù vậy, nhiều yếu tố tác động kìm hãm kinh tế cũng được ghi nhận.

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 của TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt khoảng 9,44%

Cụ thể về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2022, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố ghi nhận nhiều kết quả tích cực bối cảnh địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả và tập trung đối với chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025, với GDP tăng 9,97% và dự kiến cả năm 2022 tăng 9,44%.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội thành phố 10 tháng năm 2022. Ảnh Linh Chi
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội thành phố 10 tháng năm 2022. Ảnh: Linh Chi

Về sản xuất công nghiệp, dù hàng tháng đang có sự sụt giảm do tác động tiêu cực của nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng, sức mua toàn cầu giảm nhưng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của 4 ngành công nghiệp trọng điểm (sản xuất hàng điện tử; hóa dược - cao su - nhựa; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; cơ khí) với mức tăng cao hơn so với chỉ số chung của toàn ngành (chỉ số IIP 4 ngành trọng điểm ước tăng 22,5% (so với cùng kỳ năm 2021).

Theo báo cáo của Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, tổng thu cân đối NSNN 10 tháng năm 2022 trên toàn địa bàn ước thực hiện được 392.791 tỷ đồng, vượt 1,6% dự toán và tăng 22,3%. Trong khi đó, thu cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 94.912 tỷ đồng, đạt 56,3% dự toán, chiếm 24,2% tổng thu cân đối NSNN và tăng 21,7%.

Về hoạt động thương mại dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9%. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng duy trì tốc độ tăng trưởng tốt với tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 13,44%, còn tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 53,4 tỷ USD, tăng 9,6%.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tháng 10 và 10 tháng năm 2022, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, khẳng định với kết quả 10 tháng tăng trưởng 9,97%, tăng trưởng kinh tế cả năm của TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt khoảng 9,44%, cao hơn kế hoạch đề ra. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, trong nhiều điểm nổi bật thì công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) là đáng nói nhất khi số thu NSNN cả năm dự kiến vượt so với kế hoạch năm khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Đây chính là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, DN và nhân dân toàn thành phố.

Nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại một số thách thức ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế địa phương như: Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm. Thị trường chứng khoán kém hấp dẫn. Công tác bồi thường, thu hồi, đấu giá đất, khai thác, quản lý và bảo vệ các khu đất gặp một số hạn chế, tồn tại nhất định. Việc tham mưu sắp xếp, sáp nhập, giảm đầu mối hoặc chuyển đổi hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ toàn phần đạt tỷ lệ chưa cao…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh nêu nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn chậm. Ảnh Linh Chi.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, nêu nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn chậm. Ảnh Linh Chi.

Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất chính là giải ngân vốn đầu tư công thấp. Nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công không đạt kỳ vọng, theo liệt kê của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai là các yếu tố như: vướng về bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại, di dời hạ tầng kỹ thuật; chậm thực hiện thủ tục đầu tư, vướng các thủ tục có liên quan để đủ điều kiện triển khai thi công; do chủ đầu tư và các sở ngành có liên quan chậm triển khai, phối hợp, dẫn đến chậm giải ngân vốn; chưa hoàn tất thủ tục quyết toán...

Trước thực tế này, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận, kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2023 sẽ khó tăng trưởng cao hơn năm 2022, nên các sở, ngành cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để phát huy tốt nội lực. Cụ thể là cần sớm hoàn thiện các đề án huy động đầu tư xã hội, hoàn thiên bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài; thực hiện các giải pháp, lộ trình để giải ngân đầu tư công gắn với đẩy nhanh phục hồi kinh tế, kết nối ngân hàng tạo nguồn vốn cho DN.

TP. Hồ Chí Minh hiện có 51 đề án cần điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công, mà các sở, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Sở Tài Chính hoàn thiện đề án về tài sản công. Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành các đề án đấu giá đất…

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng; tháo gỡ các vướng mắc về tình hình bất động sản, quy hoạch trên địa bàn…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công là 37.996 tỷ đồng. Tuy nhiên, số liệu của Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh đến ngày 20/10 cho thấy, thành phố mới giải ngân được 10.953 tỷ đồng, đạt 29% tổng kế hoạch vốn được giao.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam