ADB: Trao đổi thương mại và dòng vốn giữa các nước châu Á đã chậm lại

11:30 | 24/10/2013 Print
Mặc dù có những cải thiện trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, mua bán trái phiếu, tín dụng ngân hàng và du lịch, nhưng tại châu Á trao đổi thương mại và dòng vốn giữa các nước đã chậm lại.

Báo cáo mới đây của ADB cho rằng, Chính phủ các quốc gia châu Á cần phải tiến hành những hành động ở cấp độ quốc gia cũng như ở cấp độ khu vực để khai thác tối đa những lợi ích của các sáng kiến hội nhập như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

“Tăng cường hội nhập khu vực sẽ giúp các quốc gia châu Á đang phát triển đạt được hiệu quả và hiệu suất cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục biến động. Để thực hiện điều đó và tránh trở thành nạn nhân của những áp lực bảo hộ trong nước, các Chính phủ cần phải hành động ngay để phê chuẩn, triển khai và thực thi các hiệp định khu vực.” ,ông Iwan J. Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khuyến nghị.

Báo cáo Theo dõi hội nhập kinh tế châu Á (AEIM) lần này của ADB cũng ghi nhận rằng, châu Á gần đây chứng kiến những tiến bộ khác nhau trong hội nhập và hợp tác khu vực trong bối cảnh môi trường tài chính và kinh tế có sự biến đổi.

Quá trình hướng đến AEC đang tiến lên vững chắc, nhưng tốc độ chậm. Khu vực cần cố gắng hơn nữa để giải quyết những rào cản đối với thương mại trong những lĩnh vực kinh tế nhạy cảm như nông nghiệp, sắt thép và xe hơi, cũng như giảm bớt các rào cản phi thuế quan đang ngày càng thay thế những biện pháp thuế quan trong việc gây trở ngại đối với thương mại quốc tế.

Tất cả những lĩnh vực khó khăn như tự do hóa thương mại dịch vụ hay ban hành những chính sách cạnh tranh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi những hành động ở cấp độ quốc gia hơn là những hành động ở cấp độ khu vực. Với những việc như vậy, mốc mục tiêu 2015 là một thời điểm bước ngoặt chứ không phải là đích đến cho việc thực hiện toàn bộ những mục tiêu của AEC mà ASEAN đã đề ra.

Mặt khác, cần phải giải quyết những trở ngại khác đối với thương mại như các loại phí, thủ tục hải quan rườm rà và tài chính thương mại. Giải quyết những vấn đề này sẽ đem lại những lợi ích thương mại lớn. Cứ giảm được 1% chi phí giao dịch liên quan đến thương mại sẽ giúp tăng thêm 43 tỷ USD lợi ích cho toàn cầu.

Những hành động ở cấp độ quốc gia kết hợp với một hiệp định đa phương về thuận lợi hóa thương mại dự kiến được ký tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của WTO tổ chức tại Inđônêxia từ ngày 3-6/12 sẽ là những yếu tố chủ chốt để đạt được những lợi ích này - ADB thông tin./.

N.A

N.A

© Thời báo Tài chính Việt Nam