Điều hành xăng dầu: Biện pháp, công cụ đều trong tay Bộ Công thương

16:28 | 10/11/2022 Print
(TBTCO) - Theo một số đại biểu Quốc hội, “giải bài toán” điều hành xăng dầu hiện nay, các biện pháp, công cụ đều trong tay Bộ Công thương. Để điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Bộ Tài chính phải dựa trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam thêm tối đa 660 đồng/lít,kg

Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam được kịp thời điều chỉnh đúng thực tế

Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; do đó Bộ Tài chính đã luôn chủ động phối hợp với các bộ, ngành và thương nhân đầu mối nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP: Các khoản chi phí định mức hiện nay được tổng hợp rà soát theo 2 phần: (1) Chi phí tạo nguồn phát sinh trong khâu nhập mua xăng dầu về đến cảng biển đầu mối (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng). (2) Chi phí phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu phát sinh từ kho xăng dầu đầu mối tới các kho trung gian và tới tận cửa hàng xăng dầu cuối cùng (chi phí kinh doanh định mức).

Điều hành xăng dầu: Biện pháp, công cụ đều trong tay Bộ Công thương
Điều hành xăng dầu: Biện pháp, công cụ đều trong tay Bộ Công thương. Ảnh TL minh họa

Trong thời gian qua, việc rà soát, điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu đã được Bộ Tài chính chủ động thực hiện tổng hợp rà soát và thông báo điều chỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Đối với các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được tổng hợp rà soát điều chỉnh 2 lần/ năm. Khoản chi phí kinh doanh định mức được tổng hợp rà soát điều chỉnh định kỳ 1 lần/năm.

Nguyên tắc rà soát đánh giá điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC là căn cứ trên báo cáo các chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong kỳ báo cáo và kết quả khảo sát đánh giá thực tế tại đơn vị.

Cụ thể: Năm 2022 các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (điều chỉnh 3 lần), premium trong nước (điều chỉnh 2 lần), chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (điều chỉnh 2 lần) và chi phí kinh doanh định mức (thông báo điều chỉnh 1 lần) đã được rà soát tổng hợp điều chỉnh theo đúng thực tế phát sinh và công bố điều chỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC.

Bộ Tài chính đã điều chỉnh 3 lần chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong năm 2022 (lần 1 vào 10/1/2022; lần 2 vào 10/7/2022 và mới đây nhất là 8/11/2022).

Trước tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trên thế giới tác động tới chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam có phát sinh tăng cao đột biến thời gian gần đây, ngay sau thời kỳ công bố điều chỉnh định kỳ vào ngày 10/7/2022, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã tiếp tục được Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương kịp thời điều chỉnh trong trường hợp có biến động bất thường vào ngày 8/11/2022 cho phù hợp với thực tế phát sinh trong trường hợp bất thường theo đúng quy định.

Như vậy, Bộ Tài chính đã điều chỉnh 3 lần chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong năm 2022 (lần 1 vào 10/1/2022; lần 2 vào 10/7/2022 và mới đây nhất là 8/11/2022).

Ngày 8/11, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công thương, kết quả tổng hợp báo cáo chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, sau khi lấy ý kiến của Bộ Công thương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thông báo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu) tăng 28% - 83%, tương ứng với 160 - 660 đồng/lít, kg, so với hiện hành.

Cụ thể: Xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 tăng lên 640 đồng/lít. Xăng RON95 là 1.280 đồng/lít. Dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít. Dầu hỏa có mức tăng cao nhất lên 1.740 đồng/lít, đối với mặt hàng dầu madut không điều chỉnh do không có biến động bất thường (giữ nguyên mức 1.290 đồng/lít theo thông báo đã điều chỉnh từ kỳ 10/7/2022).

Kết quả tính toán và thông báo điều chỉnh của Bộ Tài chính được căn cứ trên cơ sở:

Thứ nhất, từ số liệu báo cáo chi tiết các chi phí thực tế phát sinh (premium, bảo hiểm, vận chuyển, chi phí khác nếu có) chi tiết từng lô xăng dầu nhập khẩu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu từ ngày 1/6/2022 đến sát thời điểm tổng hợp báo cáo là ngày 20/10/2022 (Bộ Tài chính nhận được báo cáo của 28 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; trong đó chỉ có 12 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có số liệu xăng dầu nhập khẩu).

Thứ hai, khoản chi phí định mức này được tính bình quân theo sản lượng nhập khẩu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Thứ ba, kết quả tính toán của Bộ Tài chính phải đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo đúng số liệu báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, kết quả khảo sát chọn mẫu các hồ sơ chứng từ hợp lý, hợp lệ.

Cũng phải nói thêm rằng, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam có biến động, đã được Bộ Tài chính điều chỉnh cập nhật theo đề xuất của các doanh nghiệp và Bộ Công thương. Còn premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, khoản chi phí này diễn biến tăng nhẹ hoặc giảm đan xen tùy từng mặt hàng. Căn cứ mức tăng cho thấy chưa có đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, vì vậy chưa xem xét điều chính khoản chi phí này trong trường hợp bất thường. Mặt khác, khoản chi phí này mới được điều chỉnh tăng ngày 7/10/2022 trong khi theo quy định sẽ được rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022 và thông báo áp dụng từ ngày 10/1/2023.

Đối với chi phí kinh doanh xăng dầu phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu trong nước: Theo quy định hiện hành, trước ngày 31/3 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Trên cơ sở báo cáo kiểm toán chuyên đề về kinh doanh xăng dầu Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công thương thực hiện tổng hợp rà soát đánh giá và thông báo điều chỉnh từ ngày 1/7 hàng năm.

Theo quy định trên thì việc rà soát, đánh giá theo báo cáo kiểm toán chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và phản ánh theo thực tế phát sinh tại từng khâu trong hệ thống. Trên thực tế, do tính chất của khoản chi phí này phụ thuộc vào khâu tổ chức vận hành của cả hệ thống từ công ty mẹ đến các đơn vị trực thuộc và một số tác động từ chính sách (lương, tiền thuê đất, tỷ giá...) nên phải sau khi năm tài chính kết thúc mới phản ánh được đầy đủ và mới có đủ cơ sở để rà soát đánh giá diễn biến.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 28 thương nhân đầu mối cho thấy, khoản chi phí kinh doanh phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu này chưa có biến động bất thường; như vậy, khoản chi phí này chưa tác động ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

Như vậy căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối Bộ Tài chính đã tổng hợp và kịp thời điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo đúng thực tế báo cáo chi phí phát sinh bất thường thời gian gần đây của tất cả các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện báo cáo.

Đối với các khoản chi phí premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, chi phí kinh doanh xăng dầu phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu trong nước không có đột biến bất thường trong thời gian gần đây nên sẽ được tiếp tục theo dõi đánh giá rà soát điều chỉnh theo quy định trong thời gian tới.

Chủ yếu mắc ở nguồn cung

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam phải trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, của Bộ Công thương. Trên cơ sở báo cáo và số liệu cụ thể của doanh nghiệp, Bộ Tài chính mới tính toán và có điều chỉnh phù hợp theo phương pháp tính bình quân gia quyền.

Điều hành xăng dầu: Biện pháp, công cụ đều trong tay Bộ Công thương
Hiện phân phối xăng dầu qua nhiều tầng nấc là một trong những bất cập.

Hiện nay, “câu chuyện” xăng dầu chủ yếu mắc ở nguồn cung. Cung xăng dầu không đáp ứng nhu cầu lại có nhiều nguyên nhân, cần cơ quan quản lý phải kịp thời vào gỡ vướng.

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ Công thương sớm vào cuộc, tìm gốc rễ nguyên nhân để từ đó có giải pháp phù hợp. Câu chuyện chiết khấu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay cũng “là cả vấn đề”. Hiện Nhà nước không quy định chiết khấu vì yếu tố này phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá thế giới và sản lượng tồn kho của các thương nhân đầu mối cũng như phương thức bán hàng của hai bên.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, thực tế với xăng dầu hiện nay rõ ràng nguồn nhập khẩu, nguồn cung đầu vào không thiếu mà "tắc nghẽn" chính là do khâu quản lý. Có rất nhiều biện pháp, công cụ quản lý hiện nay đều nằm trong tay Bộ Công thương, vấn đề là Bộ lựa chọn công cụ nào, giải pháp ra sao để tính toán, cho cả trước mắt và lâu dài.

Về biện pháp hành chính, Bộ Công thương đang có đầy đủ công cụ pháp lý, cơ sở pháp lý, lực lượng để kiểm tra, kiểm soát cả chuỗi cung ứng xăng dầu từ bán buôn đến bán lẻ, vì tất cả các đầu mối nhập khẩu đều phải được cấp phép của Bộ Công thương, tất cả các cửa hàng kinh doanh bán lẻ đều phải có giấy phép bán lẻ của Bộ Công thương cấp phép thì mới được hoạt động.

“Với cả 2 lý do như trên, Bộ Công thương cần phải rà soát kiểm tra xem cụ thể nguyên nhân của tình trạng “tắc nghẽn” xăng dầu hiện đang diễn ra là gì để có biện pháp xử lý hiệu quả. Trước mắt có thể là vẫn bằng biện pháp hành chính, về lâu dài thì phải là giải pháp kinh tế” - đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đã khẳng định: Các bộ, ngành đã vào cuộc xử lý hầu hết các kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu theo đúng chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của liên Bộ Công thương - Tài chính đã báo cáo Chính phủ và điều chỉnh sớm chi phí tạo nguồn thay vì chờ hết thời hạn 6 tháng theo những quy định trước đây nhằm tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp trong công thức giá cơ sở xăng dầu./.

Kịp thời điều chỉnh khi phát sinh yếu tố bất thường

Trên báo cáo của các thương nhân đầu mối Bộ Tài chính đã tổng hợp và kịp thời điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo đúng thực tế báo cáo chi phí phát sinh bất thường thời gian gần đây của tất cả các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện báo cáo.

Đối với các khoản chi phí premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, chi phí kinh doanh xăng dầu phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu trong nước không có đột biến bất thường trong thời gian gần đây nên sẽ được tiếp tục theo dõi đánh giá rà soát điều chỉnh theo quy định trong thời gian tới.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam