Không nâng trần nợ công, nước Mỹ đi về đâu?

18:08 | 07/10/2013 Print
Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một tai họa kỳ lạ do con người tạo ra: các nhà lập pháp cực đoan của Mỹ cho rằng việc buộc chính phủ ngừng thực hiện các nhiệm vụ của mình sẽ khiến họ nhận ra sai lầm trong việc thực thi chính sách tài khóa thiếu thận trọng.

Hiện nay, để tiếp tục chi tiêu, chính phủ Mỹ cần Quốc hội thông qua luật chi tiêu mới, nhưng các thành viên Đảng Cộng hòa đã không đồng ý điều đó, dẫn đến kết quả là chính phủ phải đóng cửa một phần hoạt động.

Để gây sức ép với Tổng thống Obama, phía Đảng Cộng hòa đã đe dọa từ chối nâng trần nợ công, hiện đang ở mức 16,7 nghìn tỷ USD. Một khi chi vượt thu mà chính phủ lại không được phép vay thêm để chi, điều tất yếu là phải đóng cửa. Nếu trần nợ công vẫn giữ nguyên, Bộ Tài chính Mỹ sẽ hết sạch tiền kể từ ngày 17/10 tới.

Trên thực tế, nếu các nhà lập pháp làm như họ đe dọa, thì nguy cơ mất kiểm soát hệ thống tài chính sẽ xảy ra và chắc chắn hậu quả là vô cùng lớn. Khi đó:

1. Cắt giảm chi tiêu, chặn đà phục hồi kinh tế

Trong suốt một năm qua, Bộ Tài chính Mỹ, nơi phát hành đồng tiền uy tín nhất thế giới, cứ chi 5 USD thì trong đó có 1 USD tiền vay. Vì vậy, khi trần nợ công đã hết, Bộ này sẽ phải giảm chi tiêu ít nhất 20% hoặc nhiều hơn trong ngắn hạn. Một khi dòng tiền tắc nghẽn, chính sách tài khóa đông cứng như vậy có thể khiến sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế Mỹ bị chặn ngang.

2. Vỡ nợ

Một số người trong Quốc hội Mỹ dường như không cho rằng việc chạm trần nợ công có nghĩa là không thanh toán đúng hạn 12 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ đang sắp đến kỳ hạn trả. Nếu việc này sẽ xảy ra, đương nhiên chính phủ Mỹ được coi là vỡ nợ và sẽ gây ra một thảm họa tài chính trên toàn bộ các thị trường.

Vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép Bộ Tài chính ưu tiên thanh toán trước cho các trái phiếu này. Ngay cả khi điều này được Thượng viện thông qua, điều mà trước nay họ vẫn từ chối, thì vẫn là không đủ. Bộ Tài chính Mỹ phải xử lý hơn 80 triệu khoản thanh toán mỗi tháng, với một hệ thống khá cũ và chưa được thiết kế để kiểm soát thời hạn trần nợ công. Vì thế, việc thanh toán cho những người nắm giữ trái phiếu rất có thể không đúng hạn.

Các thị trường đã nhận thấy nguy cơ này: Lãi suất trái phiếu Mỹ các kỳ hạn cuối tháng 10 đang cao bất thường; Chi phí bảo hiểm cho khả năng chính phủ Mỹ vỡ nợ cũng đã tăng gấp đôi.

3. Thảm họa tài chính toàn cầu

Trái phiếu chính phủ được bảo lãnh bởi chính phủ Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu. Lợi tức trái phiếu được coi lãi suất tiêu chuẩn cho trái phiếu doanh nghiệp và thế chấp. Các nhà giao dịch chứng khoán Mỹ nắm giữ khoảng 1,9 nghìn tỷ trái phiếu để ký quỹ cho các khoản vay tại các quỹ đầu tư, ngân hàng và các công ty tài chính khác. Các công ty đầu tư tín thác, quỹ hưu trí và doanh nghiệp dựa vào việc thanh toán lãi suất trái phiếu để thực hiện nghĩa vụ với các nhà đầu tư, người nghỉ hưu và người đang đi làm.

Bất cứ một quan ngại nào về khả năng thanh toán của chính phủ Mỹ cũng sẽ khiến các nhà đầu tư yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn để bù vào rủi ro, và các nhà môi giới cũng sẽ đòi hỏi các điều kiện khắt khe hơn khi nhận thế chấp vay bằng trái phiếu. Chính vì thế, việc chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa sẽ làm tăng chi phí tín dụng đối với tất cả mọi người dân, hoặc làm đóng băng thị trường tài chính.

Nguy cơ này không hề là phóng đại. Có thể thấy một cuộc khủng hoảng trước mắt một khi các thị trường đóng băng vì chi phí tăng và chính phủ Mỹ sẽ không thể can thiệp gì bởi chính họ cũng đã mất khả năng thanh toán.

4. Vấn đề tài khóa sẽ càng tồi tệ hơn

Rõ ràng là hoạt động tài chính Mỹ đã quanh quẩn với những bế tắc dài hạn: Chính phủ hứa trả cho người về hưu nhiều hơn mức mà người nộp thuế có thể đóng. Trong khi đó, những lo ngại của nhà đầu tư đã khiến chi phí đi vay của chính phủ Mỹ càng tăng hơn. Cứ tăng 1 điểm % lãi suất thì chi phí lãi phải trả của chính phủ tăng thêm 120 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, những rắc rối dài hạn về tài khóa có thể tìm cách giải quyết được. Việc đe dọa để quốc gia phá sản, với hàng loạt rủi ro lớn đi kèm rõ ràng không phải là lời giải đúng./.

Hoàng Yến (theo Businessweek)

Hoàng Yến (theo Businessweek)

© Thời báo Tài chính Việt Nam