Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ:

Tính tuân thủ, trách nhiệm và minh bạch là yếu tố quan trọng nhất

06:40 | 14/11/2022 Print
(TBTCO) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có sự tăng trưởng khá ấn tượng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ rủi ro cần có biện pháp để thị trường này tăng chất lượng và bền vững. Việc cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh là cần thiết, nhưng cũng cần xây lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp - đây là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

PV: Thưa ông, sau thời gian phát triển nhanh những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trong đó chủ yếu là TPDN riêng lẻ đã bộc lộ những rủi ro tiềm ẩn. Ông có đánh giá thế nào về thực trạng của thị trường TPDN của Việt Nam hiện nay?

Tính tuân thủ, trách nhiệm và minh bạch là yếu tố quan trọng nhất
Ông Vũ Tiến Lộc

Ông Vũ Tiến Lộc: Dù có manh nha khá lâu, nhưng thị trường TPDN của Việt Nam mới thực sự có sự phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây. Vì vậy, phải khẳng định rằng, thị trường TPDN của Việt Nam vẫn còn rất mới. Hay nói cách khác là thị trường đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.

Mục tiêu của Chính phủ đề ra là đến năm 2025 và 2030 dư nợ TPDN đạt tối thiểu 20% GDP và 25% GDP, trong khi đó, dư nợ của TPDN hiện nay mới đạt khoảng 15% GDP. Điều này có nghĩa là thị trường vẫn đang trong giai đoạn hướng tới mục tiêu tối thiểu. Hoặc so sánh với các nước trong khu vực, dư nợ TPDN của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chẳng hạn như: tại Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thailand (25% GDP),…

Thực tế cũng đã chứng minh, đặc biệt là thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, kênh trái phiếu đã giúp cho nhiều doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, với lãi suất ổn định để đầu tư sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh điều kiện tiếp cận vay vốn ngân hàng đang ngày càng khắt khe hơn. Do vậy, tôi cho rằng, việc phát triển kênh huy động vốn qua phát hành TPDN là đúng hướng và cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận diện đúng tiềm năng và vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia để hỗ trợ thị trường TPDN phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả và bền vững.

PV: Vậy theo ông, làm thế nào để nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia để đảm bảo sự minh bạch, an toàn chung cho thị trường TPDN?

Ông Vũ Tiến Lộc: Thị trường TPDN là một cấu phần quan trọng của thị trường vốn, là kênh huy động và phân bổ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ cho kênh tín dụng ngân hàng. Do vậy, không chỉ vì một số doanh nghiệp, cá nhân sai phạm mà đánh đồng cả thị trường này là không tốt hay kìm hãm sự phát triển, mà quan trọng là phát triển như thế nào để đúng hướng, chất lượng và bền vững.

Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan liên quan là rất quan trọng. Các cơ quan này sẽ phát huy vai trò trong việc định hướng phát triển, xây dựng hành lang pháp lý và quản lý, giám sát, xử lý sai phạm để tạo ra “đường đi” phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của thị trường.

Quy định pháp lý mới sẽ tăng vai trò, trách nhiệm các bên tham gia, từ đó tăng chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ảnh: Duy Dũng
Quy định pháp lý mới sẽ tăng vai trò, trách nhiệm các bên tham gia, từ đó tăng chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ảnh: Duy Dũng

Tuy nhiên, một thị trường thì luôn có nhiều chủ thể, nếu chỉ riêng cơ quan quản lý thì chỉ được một phần, còn quan trọng nhất vẫn là các chủ thể tham gia trực tiếp. Tôi nghĩ rằng, việc hoàn thiện thể chế pháp lý, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường là cần thiết. Nhưng trách nhiệm, vai trò, tính tuân thủ các bên tham gia cũng rất quan trọng. Chỉ khi nào “chuẩn mực cứng và chuẩn mực mềm” cùng phát triển song hành và đạt đến một chuẩn mực nhất định thì khi đó thị trường TPDN sẽ được phát triển chất lượng, bền vững.

PV: Ông có đề xuất gì để thị trường phát triển minh bạch, bền vững, đóp góp hiệu quả vào phát triển kinh tế đất nước?

Ông Vũ Tiến Lộc: Việc phát triển một thị trường mới sẽ luôn gặp những khó khăn bước đầu và luôn cần có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tiễn. Thị trường TPDN cho thấy sự hấp dẫn và là kênh huy động vốn trung, dài hạn ổn định về lãi suất cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là lãi suất đang chịu áp lực tăng rất lớn, việc tiếp cận vốn tín dụng cũng khắt khe hơn, chúng ta cần ưu tiên và quan tâm lớn hơn nữa tới thị trường vốn, trong đó có thị trường TPDN.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP, nhiều quy định mới đã được bổ sung, sửa đổi để thị trường TPDN phát triển chất lượng hơn và an toàn hơn. Các quy định này sẽ cần thời gian để doanh nghiệp và nhà đầu tư làm quen, nhưng về cơ bản sẽ giúp thị trường minh bạch, lành mạnh hơn trong tương lai.

Phát triển kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn là đúng hướng

"Không thể phủ nhận vai trò và tính hấp dẫn của kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong thời gian qua. Tuy nhiên, do sự phát triển quá nhanh của kênh TPDN riêng lẻ khiến thị trường này đã xuất hiện rủi ro và việc cơ quan quản lý vào cuộc chấn chỉnh là cần thiết để giữ cho an toàn chung toàn thị trường. Mặc dù vậy, chúng ta phải khẳng định rằng, việc phát triển thị trường TPDN là đúng hướng, vấn đề còn lại là phải chung tay để thị trường này phát triển ổn định, an toàn, minh bạch, hiệu quả và ngày càng bền vững hơn" - ông Vũ Tiến Lộc.

Cùng với đó, thực tế cho thấy, về tổng thể dư nợ TPDN đang tăng, nhưng lại cho thấy sự mất cân đối giữa kênh đại chúng và riêng lẻ. Do vậy, dù không hàm ý thu hẹp kênh phát hành riêng lẻ, nhưng các cơ quan quản lý nên tạo điều kiện kênh phát hành ra công chúng thông qua rà soát pháp lý, cải cách thủ tục để thúc đẩy thị trường này.

Bên cạnh đó, thị trường này đang có sự suy giảm niềm tin, doanh nghiệp ngại không dám phát hành và thực tế cũng khó huy động vì niềm tin nhà đầu tư suy giảm. Điều này cần được định vị lại với sự vào cuộc của Chính phủ và nhiều bộ, ngành… để hỗ trợ thị trường TPDN ổn định lại. Bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý, thực tế cho thấy các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ như các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán… chưa thực sự tốt, nên cần có sự chấn chỉnh.

Ngoài ra, một tổ chức trung gian quan trọng khác là các công ty định mức tín nhiệm vẫn chưa phát triển tương xứng, khiến thị trường thiếu một “thước đo” khách quan. Đồng thời, cần có giải pháp để đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền cho nhà đầu tư, tránh thực trạng “lách luật” trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nâng cao tính tuân thủ và chỉ vì lãi suất cao mà bỏ qua các khâu quản trị rủi ro.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kim Cương (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam