Thăm dò tỷ giá cuối năm và những tác động từng nhóm doanh nghiệp

06:42 | 14/11/2022 Print
(TBTCO) - Tỷ giá trong những ngày gần đây tạm thời ổn định, nhưng đã ở mặt bằng cao hơn khá nhiều so với đầu năm. Với bối cảnh hiện nay, tác động của tỷ giá với từng nhóm doanh nghiệp có thể khác nhau và vì thế, các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược riêng để dự phòng rủi ro tỷ giá, đặc biệt giai đoạn cuối năm 2022 và đầu 2023 có thể có những yếu tố đan xen tác động.

Thị trường ngoại tệ đang trong hướng ổn định

Trong khoảng 2 tuần nay, tỷ giá đã bước vào giai đoạn tạm thời ổn định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tỷ giá theo từng phiên với biến động nhẹ.

Trong những ngày gần đây, tỷ giá USD trung tâm do NHNN công bố thường chỉ điều chỉnh tăng giảm nhẹ vài đồng mỗi USD, thậm chí nhiều phiên được giữ nguyên. Còn tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tương đối ổn định, đặc biệt có một số phiên gần đây các ngân hàng thương mại tăng tỷ giá mua vào, nhưng lại giảm tỷ giá bán ra. Việc các ngân hàng đang co hẹp khoảng cách tỷ giá niêm yết mua vào và bán ra cũng cho thấy tín hiệu thị trường ngoại tệ đang đi vào hướng ổn định, ít có rủi ro tỷ giá trong ngắn hạn.

Các doanh nghiệp cần có chiến lược riêng để dự phòng rủi ro tỷ giá.
Các doanh nghiệp cần có chiến lược riêng để dự phòng rủi ro tỷ giá.

Trước đó trong 2 tháng 9 và tháng 10/2022, NHNN đã liên tục 2 lần tăng lãi suất điều hành và 1 lần nới biên độ tỷ giá đã phần nào đưa tỷ giá về được trạng thái cân bằng, giải tỏa phần nào tâm lý mua găm giữ chờ giá lên. Cụ thể, lần một tăng lãi suất diễn ra vào cuối tháng 9 với lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4,%/năm lên 5,%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm. Tại thời điểm đó, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, tình hình tài chính tiền tệ các nước trên thế giới còn nhiều phức tạp đã và đang tác động tỷ giá. Nhưng NHNN vẫn tiếp tục điều hành để ổn định tỷ giá, đảm bảo cung ứng ngoại tệ hợp lý cho các doanh nghiệp và các ngân hàng để đảm bảo ổn định thị trường ngoại tệ. Tiếp đó trong tháng 10, NHNN đã tiếp tục đưa ra 2 quyết định khá mạnh tay, đó là việc nới biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% vào ngày 17/10 và sau đó tiếp tục tăng lãi suất điều hành lần thứ hai vào cuối tháng 10.

“Thăm dò” diễn biến cuối năm

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, việc NHNN nới biên độ tỷ giá đã phần nào tạo ra không gian rộng lớn hơn để các chủ thể, trong đó các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, nhà đầu tư nước ngoài và người dân lựa chọn cách thức tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thị trường. Theo đó, biên độ tỷ giá sau khi được nới rộng ra thì tỷ giá thị trường đã tiếp tục biến động thêm một số ngày và dần dần đã tìm được điểm cân bằng trong giai đoạn từ đầu tháng 11.

Nhìn lại diễn biến của tỷ giá từ đầu năm, tỷ giá hiện tại đã có một giai đoạn tạm ổn định, nhưng mặt bằng tỷ giá đã cao hơn khá nhiều so với đầu năm. Cụ thể là, tỷ giá USD trung tâm ngày 4/1/2022 (ngày giao dịch đầu tiên năm 2022) là 23.134 đồng/USD, tỷ giá USD tham khảo tại Sở giao dịch NHNN là 22.650 đồng/USD mua vào và 23.150 đồng/USD bán ra. Tỷ giá tại Vietcombank ngày đầu năm là 22.610 đồng (mua tiền mặt)/22.640 đồng (mua chuyển khoản) - 22.920 đồng (bán ra).

Sau hơn 10 tháng trôi qua, đến thời điểm hiện tại, tỷ giá USD trung tâm tăng không nhiều so với đầu năm, chỉ khoảng 2,4%. Tuy nhiên, tỷ giá USD tham khảo tại Sở giao dịch NHNN và tỷ giá tại ngân hàng thương mại đã tăng khá mạnh khoảng 7,4%, còn tỷ giá tại Vietcombank đã tăng khoảng 9,2%. Sự chênh lệch mặt bằng tỷ giá hiện tại so với đầu năm theo đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến ngoại tệ.

Cán cân thương mại đang thặng dư trong 10 tháng 2022

Theo Tổng cục Thống kê, kể từ tháng 7/2022 trở lại đây, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ngày càng tăng. Nếu như 6 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 742 triệu USD thì sau 7 tháng, mức xuất siêu là 1,1 tỷ USD, 8 tháng xuất siêu 3,9 tỷ USD, 9 tháng xuất siêu 7,1 tỷ USD vào sau 10 tháng thì xuất siêu đạt 9,4 tỷ USD. Xuất siêu tăng mạnh chủ yếu do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%.

Theo phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, tỷ giá hối đoái tăng có lợi cho nhà xuất khẩu do xuất khẩu hàng hoá sang các nước khác rẻ hơn, ngược lại bất lợi cho nhập khẩu do hàng hoá từ bên ngoài sẽ trở nên đắt hơn. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nhập khẩu muốn hạn chế rủi ro tỷ giá trong những tháng tới đây nên tham gia thị trường mua ngoại tệ kỳ hạn, hoặc quyền chọn hoặc tham gia vào thị trường phái sinh để bảo vệ đồng tiền. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu về lý thuyết là sẽ có lợi từ việc tỷ giá tăng, nhưng theo ông Nghĩa, yếu tố tỷ giá hối đoái tác động cung cầu xuất nhập khẩu của Việt Nam không lớn lắm, do có sự trung hoà giá trị gia tăng thấp của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam (các doanh nghiệp xuất khẩu cũng vẫn có nhu cầu lớn nhập khẩu nguyên liệu).

Các chuyên gia dự báo rằng, diễn biến tỷ giá cuối năm 2022 và giai đoạn 2023 sẽ còn tiếp tục phụ thuộc vào lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Theo đó, FED có thể sẽ có thêm những đợt tăng lãi suất tiếp theo nhưng kỳ vọng các đợt tăng sẽ nhẹ và thưa hơn so với trước, qua đó USD sẽ không còn tăng giá quá mạnh như trong năm 2022. Ngoài ra, các cán cân thương mại và đầu tư nước ngoài cũng sẽ là yếu tố có thể tiếp tục tác động đến cân bằng tỷ giá VND/USD trong thời gian tới.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam