Mỹ hủy đàm phán thương mại với EU do Chính phủ bị tê liệt

10:59 | 05/10/2013 Print
Theo kế hoạch, vòng đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 7/10 tới, song Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho hay, Washington không thể cử đoàn đại biểu đi dự nên vòng đàm phán đã bị hủy.

my-eu

Chính phủ bị tê liệt, Washington không thể cử đoàn đại biểu đi dự nên vòng đàm phán đã bị hủy.

Vòng hai cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa các quan chức hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới đã bị hủy bỏ, do Chính phủ Mỹ tạm thời đóng cửa một phần.

Tuy nhiên, đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman vẫn khẳng định, bất chấp sự cố trên, Chính phủ Mỹ luôn coi TTIP là ưu thế kinh tế lớn đối với Washington và tin tưởng “một khi quá trình đàm phán hoàn thành, đây sẽ là thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới”.

Trong khi đó, Ủy viên Thương mại Châu Âu Karel De Gucht cho rằng: “Sự trì hoãn này là hết sức đáng tiếc”. Song ông Gucht cũng nhấn mạnh cả EU và Mỹ đều cam kết nỗ lực hoàn tất tiến trình này, đồng thời tiến tới thỏa thuận thương mại và đầu tư đầy tham vọng.

Ông Gucht nêu rõ, hai bên hy vọng sẽ sẵn sàng đưa ra các đề xuất trước tháng 1/2014 để chấm dứt những bất đồng sâu sắc liên quan đến hệ thống các quy định.

Trong khuôn khổ vòng thương lượng nhằm thiết lập khu vực mậu dịch lớn nhất thế giới, EU và Mỹ cũng có kế hoạch đề cập đến các vần đề như sự thiếu hụt lương thực, an toàn hàng không, thiết lập tiêu chuẩn cho dòng xe chạy bằng điện năng và quy định về dịch vụ tài chính.

Vòng đàm phán TTIP đầu tiên diễn ra hồi tháng 7 vừa qua ở Washington. Ngoài vòng đàm phán thứ hai bị hủy bỏ nói trên, vòng đàm phán thứ ba dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới. Nếu đàm phán thành công, TTIP sẽ là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, mỗi năm có thể làm tăng thêm 0,5-1% GDP cho cả hai bên và góp phần tạo ra hàng triệu việc làm mới.

Theo thống kê, kinh tế Mỹ-EU hiện chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa - dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Nghiên cứu gần đây của Trung tâm châu Âu ước tính, một khi TTIP có hiệu lực với nhiều thứ thuế được loại bỏ, xuất khẩu của Mỹ sang EU sẽ tăng 17% và nhập khẩu từ EU tăng 18%.

Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần không chỉ tác động tiêu cực lên người dân nước này, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà Trắng. Vì hạn hẹp ngân sách, Tổng thống Barack Obama đã phải hủy bỏ kế hoạch đến thăm Đông Nam Á và tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) tại Indonesia và các hội nghị của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Brunei.

Một số nhà phân tích còn cảnh báo rằng, với việc chưa có dấu hiệu về một giải pháp nhanh chóng nào, tình trạng chính phủ siêu cường lớn nhất thế giới này ngừng hoạt động sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia./.

Đ.T (theo ttx)

Đ.T (theo ttx)

© Thời báo Tài chính Việt Nam