Cuộc chiến ngân sách ở Mỹ: Lương tri sẽ thắng thế?

11:42 | 03/10/2013 Print
Trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc trong vấn đề ngân sách, ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp lãnh đạo các đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Quốc hội. Tuy nhiên, cuộc gặp này đã kết thúc sau hơn 1 giờ trong thế bế tắc. Còn ông Obama vẫn tin rằng "lương tri sẽ thắng thế".

nhatrangdongcua

Việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa kéo dài sẽ là một rủi ro không chỉ cho nước Mỹ mà còn cho cả nền kinh tế thế giới.

Phát biểu sau cuộc gặp, Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói Tổng thống Obama đã từ chối thương lượng. Ông nói: “Tổng thống đã nhắc đi, nhắc lại hơn một lần rằng ông sẽ không thương lượng… Tất cả những gì chúng tôi đòi hỏi ở đây là một cuộc thảo luận và sự công bằng cho tất cả người dân Mỹ trong Obamacare”.

Về phần mình, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Harry Reid cho biết, Tổng thống Obama đã nói với các nghị sỹ đảng Cộng hòa rằng “ông sẽ không tha thứ” cho chiến thuật của họ. Mặc dù vậy, Thượng nghị sỹ Reid tuyên bố phe Dân chủ sẵn sàng thảo luận bất cứ giải pháp nào để giải quyết vấn đề ngân sách sau khi dự luật ngân sách tạm thời được thông qua.

Sau đó, Nhà Trắng đã ra tuyên bố khẳng định Tổng thống Obama vẫn hy vọng rằng “lương tri sẽ thắng thế”.

Trên thực tế, vẫn tìm được giải pháp khả dĩ cho vấn đề hàng trăm ngàn nhân viên liên bang phải tạm nghỉ không lương trong hơn hai ngày qua.

Kể từ đêm 30/9, nhiều công sở liên bang ở Mỹ đã phải đóng cửa do sự bất đồng giữa Nhà Trắng và Quốc hội trong vấn đề ngân sách. Điều này làm dấy lên những quan ngại về khả năng thực hiện các nghĩa vụ quan trọng nhất của chính quyền Mỹ.

Mặc dù vậy, phe Cộng hòa vẫn thất bại trong việc làm chệch hướng đạo luật cải cách y tế gây tranh cãi của chính quyền Obama.

Hôm 2/10, Hạ viện đã thông qua và chuyển lên Thượng viện một dự luật chi tiêu cho phép mở cửa trở lại Viện Y học Quốc gia và một dự luật khác để mở cửa các công viên và viện bảo tàng liên bang.

Cả hai dự luật này đều đã được thông qua với sự ủng hộ của 24 nghị sỹ của đảng Dân chủ - những người đang hợp tác với phe Cộng họa. Bên cạnh đó, Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu về các biện pháp để tài trợ cho việc chăm sóc các cựu chiến binh.

Tuy nhiên, nhiều khả năng các biện pháp này có thể sẽ bị Thượng viện phủ quyết. Tổng thống Obama cũng đã khẳng định ông sẽ phủ quyết chúng nếu chúng được đưa tới bàn của ông.

Trong khi vấn đề ngân sách vẫn chưa được giải quyết, điều người ta lo ngại nhất hiện nay là các thị trường toàn cầu có thể biến động mạnh nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ công trong một vài tuần tới bởi vì, nó sẽ khiến nước Mỹ bị vỡ nợ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, nợ công của Mỹ sẽ vượt mức trần 16.700 tỷ USD trước ngày 17/10. Sau thời điểm đó, Chính phủ Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc trả lương hưu, lãi suất và các khoản phải thanh toán khác.

Nhiều nghị sỹ Cộng hòa coi các cuộc bỏ phiếu về trần nợ công là một cơ hội khác để cắt xén đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Obama, hoặc tìm kiếm các nhượng bộ khác.

Đây là một cách tiếp cận mà theo nhiều tổ chức kinh doanh có thể dẫn tới thảm họa. Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng, việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa có thể sẽ đe dọa không chỉ Mỹ mà còn cả nền kinh tế toàn cầu nếu tình trạng này kéo dài.

Phát biểu với các phóng viên, ông Draghi nhấn mạnh, "việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa là một rủi ro nếu tình trạng này kéo dài… nó sẽ là một rủi ro không chỉ cho nước Mỹ mà còn cho cả nền kinh tế thế giới”./.

Đ.T (theo TTX)

Đ.T (theo TTX)

© Thời báo Tài chính Việt Nam