Kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tích cực năm 2023

07:31 | 18/11/2022 Print
(TBTCO) - Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 trên nền tăng trưởng kinh tế cao 8% của năm 2022 là con số khá cao. Tuy nhiên, mục tiêu này đặt ra là có cơ sở, từ những kết quả, bài học kinh nghiệm mà Việt Nam đã có trong thời kỳ đại dịch. Với cơ cấu sản xuất tương đối ổn định, mức đầu tư công cao... có thể tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực trong năm tới. Đây là đánh giá của đại biểu Quốc hội - GS.TS Hoàng Văn Cường về mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2023.

PV: Thưa ông, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 được Quốc hội thông qua mới đây có đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho năm tới. Con số này liệu có khả thi khi dự báo kinh tế sắp tới còn nhiều thách thức?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trên nền tăng trưởng kinh tế cao 8% của năm 2022 đúng là một con số khá cao. Thêm vào đó, bối cảnh kinh tế thế giới đang có những nguy cơ rất xấu, như là lạm phát rất cao, suy thoái tương đối rõ ở nhiều nơi. Đây là áp lực lớn cho Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tích cực năm 2023
Đại biểu Hoàng Văn Cường

Tuy nhiên, mục tiêu 6,5% được đặt ra là có cơ sở. Cả nhiệm kỳ này chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 – 7%, với sự ổn định vĩ mô, với đà tăng trưởng đang tốt như hiện nay thì không có lý gì chúng ta không phấn đấu để đạt mức nêu trên.

Bên cạnh đó, có nhiều cơ sở để thấy nền kinh tế Việt Nam có thể trụ vững trong khó khăn. Suốt thời kỳ đại dịch vừa qua, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ổn định khi nhiều nước tăng trưởng âm. Chúng ta có thị trường nội địa quy mô tới 100 triệu dân, thuộc vào hàng thị trường lớn trên thế giới, đồng thời Việt Nam cũng thâm nhập các thị trường quốc tế khá tốt. Chuỗi cung ứng đứt gãy ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong cả thời kỳ đại dịch luôn cao. Đặc điểm của Việt Nam là nền kinh tế sản xuất nên cũng đỡ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với khu vực dịch vụ khi kinh tế khó khăn. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam lại chủ yếu là hàng tiêu dùng, không phải tư liệu sản xuất nên khi suy thoái vẫn tiêu thụ được, dù mức tiêu thụ có giảm. Đó là những cơ sở để chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm tới.

PV: Ông đánh giá thế nào về các nhóm giải pháp được đề ra cho năm 2023?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Đó vẫn là những giải pháp khá căn bản, trước hết vẫn là kiên định ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng ổn định kinh tế vĩ mô là trên cơ sở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt chứ không cứng nhắc. Tôi cho rằng điều đó rất phù hợp, kiên định ổn định kinh tế vĩ mô là để tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thu hút đầu tư, ổn định an sinh xã hội. Bài học giai đoạn vừa qua chúng ta rút ra cũng là ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống. Cùng với đó, sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng. Hiện nay, dư địa chính sách tài khóa của chúng ta khá tốt khi nợ công khá thấp, nhờ đó có thêm không gian nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, năm 2023, số vốn đầu tư công đưa ra cũng khá cao. Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Vấn đề là làm sao đưa đầu tư công vào đúng lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng. Tôi cho rằng, bên cạnh các hình thức đầu tư công truyền thống như xây dựng cơ sở hạ tầng, có thể đầu tư công tới đây nên mở rộng sang các hình thức mới như hình thức đặt hàng doanh nghiệp, tập đoàn trong việc làm ra các sản phẩm thiết yếu cho đất nước.

Sản xuất ổn định là nền tảng tốt để tăng trưởng kinh tế.
Sản xuất ổn định là nền tảng tốt để tăng trưởng kinh tế.

PV: Trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của năm tới, theo ông đâu là những rào cản lớn nhất?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Rào cản lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua, khiến kinh tế chưa bứt phá được là chưa có sự thay đổi đột phá liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao. Nền sản xuất của chúng ta vẫn dừng lại ở phân khúc giá trị thấp nên tăng trưởng chưa hết tiềm năng, nhất là tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu đề ra. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đổi mới về công nghệ, đổi mới về quy trình, từ đó bứt phá từ sản xuất phân khúc giá trị thấp sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Xét về tổng thể, có thể thấy điểm nghẽn lớn nhất của chúng ta hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh, chẳng hạn như các dự án liên quan đến bất động sản thì còn vướng mắc nhiều ở Luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn còn vướng ở quy trình, thủ tục… Do đó, giải quyết nút thắt thể chế cũng là yếu tố quan trọng mà nếu tháo gỡ được sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.

PV: Trong Nghị quyết của Quốc hội có yêu cầu nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công. Điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Như tôi đã nói ở trên, đầu tư công là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong những lúc khu vực tư nhân đang khó khăn. Hiện nay, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, mà dư địa của chính sách tài khóa tương đối tốt nhờ những nỗ lực để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách thời gian qua, tỷ lệ nợ công, bội chi ở mức thấp so với trần quy định. Do đó, có thể nghiên cứu mở rộng chính sách tài khóa để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công. Tất nhiên, để nguồn lực này đạt hiệu quả cao nhất thì dòng vốn cho đầu tư công phải đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực. Còn ngược lại, nếu dòng vốn không đi vào đúng lĩnh vực, đúng tiến độ thì hiệu quả với tăng trưởng sẽ không như mong muốn, ngược lại còn có thể gây những bất ổn. Yêu cầu mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa là phải gắn dòng vốn đó vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cho tăng trưởng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống

Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện đã đạt được cả về phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; an sinh xã hội; chăm sóc người có công và công tác đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng lưu ý, trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, dự báo tình hình kinh tế và chính trị-an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng cao; thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung ứng xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế...; tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch năm 2022 và 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII.

Hoàng Yến (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam