“Tự chủ bệnh viện không phải là tư nhân hóa bệnh viện công”

11:33 | 21/11/2022 Print
(TBTCO) - Cho phép các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ là rất cần thiết, nhưng phải là tự chủ một phần để hoạt động thông thoáng hơn, chứ không phải tự chủ bằng mọi giá. Nếu không sẽ vô tình tư nhân hóa bệnh viện công, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đây là quan điểm được đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, nguyên Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhấn mạnh trong cuộc trao đổi bên lề với báo chí về cơ chế tự chủ cho các bệnh viện.

PV: Thưa đại biểu, câu chuyện tự chủ của các bệnh viện công lâu nay có rất nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có những ý kiến lo ngại rằng việc này sẽ thành xu hướng như là tư nhân hóa các dịch vụ công, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đến việc chăm sóc y tế cho người dân. Đại biểu có quan điểm thế nào về điều này?

“Tự chủ bệnh viện không phải là tư nhân hóa bệnh viện công”
Đại biểu Nguyễn Anh Trí

Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Tự chủ là cơ chế rất cần thiết, tôi rất ủng hộ. Nhưng vấn đề là tự chủ đến đâu? Tự chủ một phần để hoạt động thông thoáng hơn thì được, chứ không phải tự chủ bằng mọi giá, để đến mức các đơn vị phải kiếm sống bằng mọi cách thì đó đã là tư nhân hóa bệnh viện công.

Thực tiễn lâu nay, hầu như các bệnh viện trên cả nước đang làm tự chủ, bệnh viện nơi tôi từng quản lý cũng đã và đang làm tự chủ rất tốt. Nhưng đó chỉ là hình thức tự chủ toàn phần, không gồm tự chủ đầu tư. Chúng ta không phải tự chủ bằng mọi giá. An sinh xã hội là vấn đề vô cùng quan trọng, nếu chỉ chăm chăm kiếm tiền thì các bệnh viện công đã vô tình bị tư nhân hóa, lúc đó rất ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nhất là người nghèo.

PV: Việc thực hiện tự chủ ở một số bệnh viện lớn như Bạch Mai, Bệnh viện K… đang gặp vô vàn khó khăn. Theo đại biểu, đâu là nút thắt trong cơ chế tự chủ ở những bệnh viện này?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Trước hết, phải nói rõ để tránh nhầm lẫn là tự chủ có 4 mức. Mức 1 là tự chủ toàn diện (tự chủ toàn bộ các chi phí đầu tư, lương thưởng, vật tư), mức 2 là tự chủ toàn phần (chỉ tự chủ lương thưởng, vật tư tiêu hao, không tự chủ đầu tư), mức 3 là tự chủ một phần, mức 4 là không tự chủ, Nhà nước cung cấp toàn bộ kinh phí.

Bênh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bênh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Nguyên nhân 4 bệnh viện lớn thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33 không thành công vì đó là tự chủ ở mức cao nhất, toàn diện và chỉ làm thí điểm. Vướng mắc cơ bản nhất là rất nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể chưa có, dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Cùng với đó, bản chất việc này đang bị sai, vì đây là hình thức gần như là tư nhân hóa các bệnh viện công. Tôi không đồng tình với cách tự chủ toàn diện. Nếu muốn làm thì phải bổ sung rất nhiều quy định, mà quan trọng nhất là tỷ lệ bao nhiêu giường chuyển sang làm dịch vụ, bao nhiêu phục vụ cho nhân dân.

PV: Từ việc thực hiện tự chủ không thành công, Bệnh viện Bạch Mai còn đang rơi vào tình trạng có hàng trăm máy móc đang bị niêm phong không sử dụng được, thiếu vật tư, thuốc men… Làm thế nào để sớm tháo gỡ vấn đề này, để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Như tôi đã nói, nguyên nhân câu chuyện khủng hoảng ở Bạch Mai là vì họ được yêu cầu thí điểm tự chủ một cách toàn diện, trong khi các việc chuẩn bị chưa xong. Khi chuẩn bị quy định chưa đầy đủ, mà các máy móc thiết bị lâu nay vận hành theo cơ chế khác, giờ chuyển sang cơ chế mới, nguồn đầu tư bị cắt, dẫn đến bế tắc. Lý do thứ hai là cùng lúc đó dịch xảy ra, nên rất lúng túng. Thêm nữa là hàng loạt cán bộ chủ chốt bị vướng lao lý, tù tội, gây ra chao đảo rất lớn về tâm lý, ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện.

4 bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện

Ngày 19/5/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về việc thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Theo đó, Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Mục tiêu thực hiện thí điểm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các bệnh viện; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội của bệnh viện, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý; không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu…

Tôi được biết giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đang xin thôi tự chủ thí điểm theo Nghị quyết 33 và xin được thực hiện tự chủ ở mức 2, tự chủ toàn phần. Tôi rất ủng hộ điều này và nên sớm có quyết định để họ thực hiện. Còn những vướng mắc như đã nêu chỉ là vướng mắc sự vụ, có thể tìm cách giải quyết. Chẳng hạn như các máy móc bị niêm phong nên đề nghị Bộ Công an điều tra xong đến đâu thì trả máy móc cho bệnh viện hoạt động đến đó, tránh để đắp chiếu quá lâu. Nếu vẫn thiếu máy móc thì phải cấp thêm ngân sách để họ mua. Lúc này Bộ Y tế phải thực sự nhảy vào cuộc để hỗ trợ các bệnh viện, cho họ cơ chế tự chủ thực sự, hướng dẫn đầy đủ, gỡ vướng trong tài chính và nguồn nhân lực.

Hay để giải quyết việc thiếu thuốc men, sinh phẩm thì có thể cho gia hạn thêm các gói thầu đã, đang thực hiện. Chẳng hạn gia hạn thêm 3 tháng, trong thời gian đó cho thực hiện các gói thầu mới theo quy định hiện hành, tránh để tình trạng người dân đến bệnh viện mà thiếu thuốc men, máy móc chữa bệnh, như vậy là có tội với nhân dân. Nhưng cũng chỉ gia hạn trong 3 tháng thôi, yêu cầu phải hoàn tất đấu thầu theo quy định mới để mua vật tư, thuốc men phục vụ nhân dân. Tôi tin rằng nếu quyết tâm sẽ làm được và phải làm ngay.

Còn nếu thiếu quá thì Nhà nước phải bổ sung để họ mua sắm thêm, hoặc cho họ ký hợp đồng làm dịch vụ với các cơ sở y tế khác, cho họ tạm thời có máy móc thiết bị, miễn sao làm đàng hoàng trong sáng. Tôi ủng hộ việc phải quyết liệt làm tự chủ, nếu không làm được là do chưa quyết tâm, chưa có biện pháp, hay thậm chí là bạc nhược. Nhưng phải lưu ý chỉ là tự chủ ở mức 2, 3, không phải cách tự chủ toàn diện.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

Bằng mọi giá chấm dứt tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh cho người dân

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội trong kỳ họp 4, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, y tế Việt Nam đã và đang bị chao đảo, đến nay vẫn chưa thực sự hết chao đảo. Cán bộ y tế ồ ạt xin ra khỏi khu vực công, thuốc men, sinh phẩm bị thiếu, việc mua sắm trang thiết bị đồng bộ cho bệnh viện đang bị đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ. Nguyên nhân có nhiều, song dù vì bất cứ lý do nào thì việc không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân là có lỗi nặng với nhân dân, bằng mọi giá chúng ta phải giải quyết để chấm dứt tình trạng này.

“Cần thấy không thực hiện được tự chủ ở các bệnh viện hạng cao, tuyến cuối đó là một sự thất bại, mà nguyên nhân trước hết là do thiếu quyết tâm, thiếu phương pháp và kể cả sự bạc nhược. Rất mong Chính phủ, Bộ Y tế tập trung tháo gỡ vấn đề này, trong đó điều quan trọng nhất là giao cho bệnh viện tự chủ thì phải cho họ được tự chủ, đặc biệt là tự chủ về tài chính và tự chủ về nhân lực” - đại biểu đề nghị.

Theo đại biểu, cơ chế tự chủ bệnh viện đã thực hiện ở Việt Nam hàng chục năm nay dưới hình thức tự chủ toàn phần hoặc tự chủ một phần, nhờ đó đã giảm bớt gánh nặng kinh phí của Chính phủ hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Với Nghị định 60 năm 2021, đại biểu cho rằng các bệnh viện lớn hoàn toàn có thể được tự chủ với mức hợp lý từ nhóm 1 đến 3.

Hoàng Yến (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam