WHO khuyến cáo tăng thuế để hạn chế sử dụng thuốc lá

16:37 | 23/11/2022 Print
(TBTCO) - "Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát gia tăng sử dụng thuốc lá trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá, trong đó có giải pháp tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá...".

Đây là phát biểu của TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tại hội thảo "Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam tổ chức sáng ngày 23/11/2022 tại Hà Nội.

Tỷ lệ thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng

Theo TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát thuốc lá trong những năm gần đây. Tỷ lệ hút thuốc ở cả người trưởng thành và thanh thiếu niên đang giảm dần. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030 so với tỷ lệ của năm 2015, như đã đề ra trong Chương trình sức khỏe Việt Nam.

WHO khuyến cáo tăng thuế để hạn chế sử dụng thuốc lá
TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam tham gia trực tuyến tại hội thảo. Ảnh: Hải Anh
Theo WHO, gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá gây ra ở Việt Nam cho điều trị bệnh, tổn thất do mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm do 5 trong 25 nhóm bệnh là 25 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 1% GDP của năm nghiên cứu 2011). Ngoài ra cũng phải kể đến 31 nghìn tỷ đồng người dân bỏ ra để mua thuốc lá hút hàng năm.

Việt Nam đang phải đối mặt với một số quyết định quan trọng là làm thế nào để bảo vệ người dân một cách tốt nhất, đặc biệt là những người trẻ tuổi khỏi tác hại của thuốc lá thông thường, cũng như khỏi những nguy hiểm đối với sức khỏe do các sản phẩm thuốc lá mới gây ra.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam gia tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Theo kết quả “Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019” của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, (ở học sinh khu vực thành thị là 3,4%). Năm 2020, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.

Một nghiên cứu khác tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).

Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điếu thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ nam giới hút thuốc lá điếu, tuy nhiên với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến nữ giới và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá đã và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng.

“Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử mặc dù có xu hướng gia tăng, nhưng còn ở mức thấp nên việc ban hành quy định cấm các sản phầm này là khả thi theo khuyến cáo của WHO...” - bà Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Tăng thuế sẽ khiến tiêu dùng thuốc lá giảm

Tại hội thảo, TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Văn phòng WHO, cho rằng để đạt mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá.

"Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin - đồng nghĩa với việc giá cả không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá. Việt Nam cần thay đổi điều này, bằng giải pháp như nhiều quốc gia thực hiện thành công là tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất" - TS. Angela Pratt khuyến cáo.

Tại hội nghị, các chuyên gia của đã bàn luận đến chính sách thuế thuốc lá của Việt Nam và cho rằng, có thể sử dụng công cụ giá và thuế hiệu quả hơn để hạn chế sử dụng thuốc lá.

WHO khuyến cáo tăng thuế để hạn chế sử dụng thuốc lá
Bà Nguyễn Thị Thu Hương diễn thuyết tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thuốc lá ở Việt Nam thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Theo Luật thuế TTĐB sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% (2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN ví dụ như Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%.

“WHO và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng”- bà Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Một vấn đề được bàn luận tại hội thảo thu hút được sự quan tâm và đồng thuận, đó là giải pháp tăng thuế làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tăng thu ngân sách.

Theo Ngân hàng Thế giới, trên phạm vi toàn cầu khi thuế tăng 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá của chính phủ thêm 7%. Bằng chứng thực tiễn tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam cho thấy tăng thuế thuốc lá làm tiêu dùng thuốc lá giảm đi nhưng doanh thu thuế vẫn tăng.

Ví dụ Thái Lan từ 1993 - 2017, Chính phủ Thái Lan đã tăng thuế TTĐB với thuốc lá 11 lần, trung bình khoảng 2 năm tăng một lần. Kết quả là thuế thuốc lá đã tăng từ 55% đến 90% giá bán buôn đã có thuế (tương đương mức tăng từ 120% giá xuất xưởng lên thành 693% giá xuất xưởng nếu tính theo cách tính thuế của Việt Nam).

Năm 2017, Thái Lan tiếp tục cải cách thuế thuốc lá. Từ 16/9/2017 đến nay áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp với mức thuế suất: 20% giá bán lẻ (đối với thuốc lá <60 thb> 60 THB/bao) + 1,2 THB/điếu.

Kết quả, thu ngân sách tăng gấp 4 lần, (từ 500 triệu USD năm 1993 lên gần 2,3 tỷ USD năm 2017), tỷ lệ hút thuốc (chung cả nam và nữ) trên toàn quốc giảm từ 32% (năm 1991) xuống còn 19,91% (năm 2017), trong khi sản lượng thuốc lá không thay đổi nhiều, dao động quanh con số 2 tỷ bao mỗi năm. Đây là bài học kinh nghiệm để Việt Nam tham khảo áp dụng.

Hải Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam