Xây dựng tài chính quốc gia phát triển bền vững

15:09 | 23/11/2022 Print
(TBTCO) - Trả lời phỏng vấn TBTCVN, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PV: Chiến lược tài chính đến năm 2030 đặt ra rất nhiều mục tiêu, trong đó khẳng định vai trò của chính sách tài chính trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, ngành Tài chính đã triển khai như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Chiến lược Tài chính đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022. Trong đó, nhiều mục tiêu lớn được đặt ra với các chỉ tiêu cụ thể đòi hỏi ngành Tài chính phải khẩn trương thực hiện để đạt được các mục tiêu mà chiến lược đặt ra. Việc cụ thể hóa chiến lược theo từng giai đoạn 5 năm sẽ góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nhưng cũng là áp lực đối với ngành Tài chính, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, lạm phát tăng cao.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt Quyết định số 1490/QĐ-BTC ngày 28/7/2022 về Chương trình hành động của ngành Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030.

Xây dựng tài chính quốc gia phát triển bền vững
TS. Nguyễn Như Quỳnh

Chương trình hành động xác định 6 nhóm nhiệm vụ bao gồm: (1) Tổ chức, quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chiến lược Tài chính đến năm 2030; (2) Xây dựng 8 chiến lược ngành; (3) Các nhiệm vụ của Kế hoạch tài chính quốc gia và vay trả nợ công 5 năm; (4) Thực hiện các chỉ tiêu Chiến lược tài chính đến năm 2030 với 15 nhóm chỉ tiêu; (5) Xác định các nhiệm vụ gắn với 11 nhóm giải pháp đề ra tại Chiến lược tài chính gồm 173 nhiệm vụ; (6) Sơ kết, tổng kết, đánh giá Chiến lược tài chính và các chiến lược ngành.

Hiện có 5/8 chiến lược ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành chương trình/kế hoạch hành động thực hiện các chiến lược gồm các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, kế toán - kiểm toán và nợ công.

PV: Như ông vừa chia sẻ, ngành Tài chính triển khai thực hiện chiến lược trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song năm 2022 cũng là năm Bộ Tài chính thực hiện gói hỗ trợ tài khóa lớn nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ông có thể cho biết một số kết quả đến thời điểm hiện nay?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau 2 năm đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chủ động rà soát chính sách pháp luật lĩnh vực tài chính - ngân sách, đề xuất đồng bộ nhiều giải pháp tài chính - ngân sách tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách; hỗ trợ lãi suất... trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thực hiện 10 tháng năm 2022, tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 144,5 nghìn tỷ đồng để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá xăng dầu biến động phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; ước thực hiện các chính sách này 10 tháng năm 2022 khoảng 17.520 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

PV: Mặc dù kinh tế đang vào đà phục hồi, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt kết quả khả quan, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần phải được nhận diện, từ đó có giải pháp phù hợp trong trước mắt cũng như lâu dài. Ông nhận định về những thách thức này ra sao?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Nhìn chung, chính sách tài chính - NSNN năm 2021 - 2022 đạt được các mục tiêu về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại một số rủi ro, thách thức như: Dư địa thực hiện chính sách tài khóa vẫn còn nhưng không lớn trong bối cảnh nhu cầu tăng chi ngân sách nhằm phục hồi kinh tế, đảm an sinh xã hội, phòng dịch và xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, chi NSNN vẫn phải đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Ngoài ra, còn có rủi ro của các yếu tố bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu NSNN và tăng chi NSNN, cũng như rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất đều cao hơn với các khoản vay từ 2022 - 2025.

Bên cạnh đó, phân bổ vốn đầu tư công còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công không đồng đều; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm và không đạt tiến độ đề ra; thị trường tài chính chưa thực sự cân đối, phát triển chưa ổn định… là những thách thức đặt ra đối với ngành Tài chính.

PV: Vậy đâu là giải pháp cho thời gian tới, đặc biệt là những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra cho thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030, thưa ông?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới tiếp tục có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030 cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hai là, tăng cường sự bền vững nguồn lực cho NSNN cả về quy mô và cơ cấu thông qua việc tiếp tục thực hiện tổng thể việc cải cách hệ thống thuế, phí theo lộ trình đề ra; tăng cường công tác quản lý thu; chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số.

Ba là, quản lý chặt chẽ các khoản chi, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển và cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo hiểm và phát triển các dịch vụ tài chính; hoàn thiện khung pháp lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để thị trường phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; thúc đẩy việc xây dựng tài chính điện tử và hướng đến nền tài chính số...

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam