Nhân dân tệ lên ngôi, Trung Quốc nới lỏng kiểm soát đầu tư xuyên quốc gia

14:03 | 07/09/2013 Print
Đồng nội tệ Trung Quốc - Nhân dân tệ (renminbi), lần đầu tiên gia nhập hàng ngũ top 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới.

Giao dịch bằng tiền Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong vòng 3 năm qua lên mức 129 tỷ USD một ngày trong năm nay.- Ảnh: Canadianbusiness

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Nhân dân tệ trở thành đồng tiền thứ 9 trong rổ 10 đồng tiền được dùng thanh toán nhiều nhất trên thế giới dựa vào doanh thu ngoại hối, vượt qua cả đồng krona của Thuỵ Điền và đô la New Zealand.

Nhân dân tệ đứng thứ 17 trong bản khảo sát trước đó của BIS năm 2010. Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới trong tham vọng biến nhân dân tệ thành đồng tiền “toàn cầu” ngang hàng với đô la Mỹ và euro.

Theo số liệu tháng 4 của BIS, giao dịch bằng tiền Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong vòng 3 năm qua lên mức 129 tỷ USD một ngày trong năm nay. Trong khi đó mức giao dịch hàng ngày của đồng USD ở mức 4,65 nghìn tỷ.

Lưu chuyển tiền tệ toàn cầu hàng ngày đã tăng hơn 30% trong ba năm qua.

Sự lên ngôi của đồng nhân dân tệ cho thấy sự gia tăng mức độ toàn cầu hoá chuỗi cung ứng sản xuất và tính linh hoạt của các công ty Mỹ khi sử dụng đồng nhân dân tệ.

Ngoài nội tệ Trung Quốc, đồng peso của Mexico cũng trở lại top 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất toàn cầu kể từ lần đầu tiên vào năm 1998.

Trong khi đó đồng rúp của Nga, lira của Thổ Nhĩ Kỳ, rand của Nam Phi và real của Brazil cũng đều chiếm tỷ trọng lớn trong dòng chảy tiền tệ toàn cầu, đánh dấu sự vươn lên của các nền kinh tế đang phát triển.

Báo cáo cũng cho thấy London tiếp tục giữ vai trò là trung tâm ngoại hối lớn nhất thế giới. 41% giao dịch tiền tệ trung bình hàng ngày diễn ra tại Anh. Mỹ xếp thứ 2 với tỷ lệ 18,9%.

Ở châu Á, Singapore lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản trở thành trung tâm ngoại hối lớn nhất châu Á với thị phần đạt 5,7%, nhỉnh hơn 5,6% của Nhật Bản.

Nới lỏng kiểm soát

Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm qua vừa có tín hiện cho thấy, sẽ nới lỏng kiểm soát các khoản đầu tư xuyên quốc gia, gia tăng mức tiếp cận đối với nền kinh tế và khu vực ngân hàng.

Giới quan sát cho rằng sự thay đổi này có thể sẽ thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ.

“Khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các quy định ngân hàng, các công ty cuối cùng sẽ nhận thấy đồng nhân dân tệ sẽ sánh ngang với đồng euro,” Anil Sawrup, phó chủ tịch cấp cao của công ty ngoại hối Cambridge Mercantile Group cho biết.

“Bây giờ renminbi đã nằm trong top 10, nhiều doanh nghiệp sẽ nhận ra sự cấp thiết phải thực hiện thanh toán bằng tiền Trung Quốc.”

Theo khảo sát của Western Union Business Solutions, nửa đầu năm nay việc thanh toán bằng đồng nhân tệ của các công ty Mỹ đã tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Giao dịch bằng đồng nhân dân tệ hiện chiếm 12% tổng thanh toán của Mỹ cho Trung Quốc, tăng so với 8,5% của nửa đầu năm ngoái.

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tự do hoá tiền tệ năm 2009 nhưng vẫn giữ mức độ kiểm soát và điều này đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp muốn chi trả trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ.

Đầu năm 2012, ngân hàng trung ương yêu cầu tất cả các công ty Trung Quốc thanh toán thương mại bằng đồng nội tệ và tăng chuyển đổi trực tiếp từ ngoại tệ sang nội tệ.

Tham vọng toàn cầu

Sự tăng trưởng nhanh của các giao dịch ngoại tệ và sự vươn lên của đồng nhân dân tệ đã khiến các ngân hàng và trung tâm tài chính quốc tế muốn trở thành trung tâm giao dịch đồng tiền này.

Hồng Kông là trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ đầu tiên vào năm 2009, trong nỗ lực của Bắc Kinh muốn biến đồng yuan trở thành một đối trọng với đồng USD trong thương mại toàn cầu.

Các trung tâm tài chính lớn như London, Tokyo, Singapore và Sydney cũng đang cạnh tranh để trở thành trung tâm lớn giao dịch đồng nhân dân tệ.

“Nhân dân tệ đã trở thành một câu chuyện tăng trưởng lớn vào năm ngoái. Quy mô giao dịch đang tăng lên không chỉ từ các khách hàng doanh nghiệp, mà còn từ cả cộng đồng các nhà đầu tư,” Richard Anthony, giám đốc khối giao dịch ngoại hối điện tử của ngân hàng HSBC tại London cho biết.

Với một nền kinh tế ổn định, hệ thống ngân hàng lành mạnh và một chế độ tỷ giá “đang tiếp cận mức cân bằng”, giới phân tích cho rằng đây là lúc để Trung Quốc đẩy mạnh mở cửa tài khoản vốn.

Trong một nỗ lực hướng tới việc tự do chuyển đổi đồng nội tệ, Trung Quốc đang có kế hoạch thiết lập một khu vực tự do thương mại mới ở Thượng Hải, mà ở đó việc lưu chuyển đồng nhân dân tệ xuyên quốc gia sẽ được tự do hơn.

Việc gia tăng mức độ tự do cho phép đầu tư quốc tế sẽ là một thay đổi quan trọng với một nước quen áp đặt kiểm soát lâu năm như Trung Quốc. Lâu nay Trung Quốc vẫn kiểm soát tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu cũng như bảo vệ nền kinh tế khỏi các luồng tiền đầu cơ.

Các nhà kinh tế cho rang, việc nới lỏng sẽ giúp ngăn chặn đà suy thoái tăng trưởng bằng cách khuyến khích sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn và tăng tốc quá trình chuyển đổi từ phụ thuộc vào xuất khẩu, sang chú trọng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên động thái này cũng mang lại những rủi ro nếu xảy ra một sự rút vốn ồ ạt sẽ làm lung lay sự ổn định của khu vực tài chính.

Mai Hương (Theo WSJ, Bloomberg)

Mai Hương (Theo WSJ, Bloomberg)

© Thời báo Tài chính Việt Nam