Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023

15:05 | 24/11/2022 Print
(TBTCO) - Trong tình thế hết sức khó khăn sau đại dịch Covid-19 nhưng năm 2022, toàn ngành dệt may dự báo sẽ cán đích 42 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 3,8% so với năm 2021. Mục tiêu xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023 đang được toàn ngành kỳ vọng.
Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023
Gia công hàng dệt may xuất khẩu của doanh nghiệp. Ảnh: KT

Vẫn sẽ cán đích 42 tỷ USD

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong bối cảnh các thị trường chính như EU và Mỹ đang giảm sức mua do lạm phát, đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may giảm từ 25-27% và có thể kéo dài đến hết quý I/2023. Ghi nhận toàn ngành đã cắt giảm 5-7% lao động.

Theo ông Giang, tỷ trọng này thấp so với các ngành sản xuất xuất khẩu khác. Tuy nhiên, tình hình này chủ yếu xảy ra với các doanh nghiệp gia công, dẫn đến việc cắt giảm lao động.

Trong tình thế khó khăn như vậy nhưng toàn ngành dệt may vẫn dự báo sẽ cán đích 42 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 3,8% so với năm 2021. Riêng trong 10 tháng của năm 2022, toàn ngành đã xuất khẩu 37,9 tỷ USD.

“Không những thế, các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng thị trường, đưa sản phẩm dệt may “made in Việt Nam” vào 66 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 50 mặt hàng khác nhau, trong đó sản phẩm chủ lực là quần, áo đã mang về 29,1 tỷ USD” – ông Giang chia sẻ.

Theo thống kê, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam, riêng sản phẩm quần, áo các loại đã đạt 13,9 tỷ USD, chiếm trên 47%.

Đứng thứ hai là thị trường các nước trong Hiệp định CPTPP, đã nhập 4,8 tỷ USD sản phẩm dệt may từ Việt Nam; thứ ba là khối EU với 3,63 tỷ USD; thứ tư là Hàn Quốc đạt 2,5 tỷ USD.

Riêng xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc đang có sự tăng trưởng mạnh và có thể xem là thành công của dệt may Việt Nam khi chinh phục được thị trường vốn đã có ngành công nghiệp thời trang nổi tiếng.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng là điểm sáng của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm qua, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD.

Mặt hàng Veston là một trong những sản phẩm tăng trưởng mạnh, năm 2021 sụt giảm đến 60% đơn hàng nhưng đến thời điểm này đơn hàng veston đã bật tăng đến 97% do nhu cầu sử dụng veston cho hội họp tăng trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Mục tiêu xuất khẩu 47 tỷ USD là rất khả quan

Theo ông Vũ Đức Giang, có được kết quả trên là nhờ Việt Nam đã mở cánh cửa hội nhập với 15 hiệp định thương mại có hiệu lực. Đó là nền tảng tạo ra sự đa dạng hóa thị trường. Tình hình lạm phát, vấn đề tỷ giá, sức mua của các nước lớn giảm là rủi ro, nhưng theo ông Giang, đây chính là áp lực buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường. Thực tế nhiều doanh nghiệp trong khó khăn vẫn tăng trưởng như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, An Phước...

Theo ông Giang, đầu tiên là sức hút chương trình phát triển bền vững, chuyển đổi quản trị số, kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đang củng cố niềm tin cho các nhãn hàng tiếp tục lựa chọn Việt Nam. “Ngay cả thị trường Mỹ đang giảm sâu do lạm phát nhưng các nhãn hàng vẫn xác định Việt Nam là nhà cung cấp số 1 của họ”- ông Giang cho biết.

Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin một số kết quả nổi bật năm 2022 với báo chí. Ảnh: Gia Cư

Bên cạnh đó, theo ông Giang, năm 2023 là thời điểm hiệp định thương mại EVFTA sẽ đưa thuế suất bằng 0. Đây là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và sẽ có bứt phá trong năm tới. Do vậy, ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 45-47 tỷ USD trong năm 2023.

Ông Giang nhận định, ngành dệt may Việt Nam đang có được uy tín lớn nhất từ trước đến nay với các nhà nhập khẩu. Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam đang giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tiến tới chủ động nguyên phụ liệu trong nước. Ước tính đến nay ngành dệt may đã chủ động được 49% nguyên phụ liệu và mục tiêu sẽ tăng lên 55% từ nay đến 2025.

Đánh giá chung về tình tình hình hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đều cho rằng, đang chọn giải pháp tổ chức lại sản xuất phù hợp, duy trì chế độ làm 8 tiếng/ngày. Mục tiêu chính trong giai đoạn này là giữ ổn định sản xuất và lực lượng lao động. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh hiện nay.

Đại diện một số doanh nghiệp dệt may có thương hiệu lớn cũng cho biết, điều quan trọng là phải thể hiện được sự ổn định, bền vững để các nhãn hàng thấy rằng dệt may Việt Nam vẫn tổ chức sản xuất, họ sẽ có niềm tin, tiếp tục đặt hàng với doanh nghiệp Việt./.

Một trong những kiến nghị mà Vitas đề xuất lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là áp dụng lãi suất hợp lý để hỗ trợ lĩnh vực ngành hàng có tác động xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại lớn, giải quyết việc làm lớn như dệt may, da giày giữ ổn định lao động để thực hiện các mục tiêu của 2023.

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam