Huy động vốn qua trái phiếu chính phủ:

Hình thành các mã trái phiếu và đường cong lãi suất chuẩn

07:55 | 25/11/2022 Print
(TBTCO) - Phát hành trái phiếu chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính, hiệu quả của ngân sách nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho các dự án quan trọng quốc gia. Thực hiện chiến lược phát triển kho bạc, hiện đại hóa công tác huy động vốn trái phiếu chính phủ, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục đa dạng các sản phẩm trái phiếu.

Nhiều cải cách giúp việc huy động vốn đạt hiệu quả

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) Bộ Tài chính giao, KBNN đã tổ chức huy động vốn TPCP đều đặn theo phương thức đấu thầu trên hệ thống giao dịch của Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Đồng thời, KBNN phát hành đa dạng các kỳ hạn, các sản phẩm trái phiếu cũng như các hình thức phát hành; thực hiện tái cơ cấu danh mục TPCP bằng cách tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, theo lô lớn; thực hiện nghiệp vụ hoán đổi TPCP; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan trong tổ chức, điều hành thị trường TPCP, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước trong phối hợp điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. KBNN công bố công khai kế hoạch, lịch biểu phát hành TPCP và kết quả phát hành ra thị trường; thường xuyên trao đổi, nắm bắt nhu cầu của nhà đầu tư; bám sát tình hình thị trường để quyết định kỳ hạn và khối lượng phát hành hợp lý.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương

Phương thức phát hành chủ yếu là đấu thầu qua HNX, đảm bảo công khai, minh bạch (từ năm 2020, toàn bộ TPCP được phát hành theo phương thức đấu thầu). Bên cạnh phương thức đấu thầu đơn giá, từ năm 2021, KBNN cũng đã triển khai đấu thầu TPCP theo phương thức đa giá nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động vốn trong nước và phát triển thị trường TPCP.

Ngoài ra, công tác phát hành TPCP được gắn kết chặt chẽ với mục tiêu tái cơ cấu danh mục nợ chính phủ. Theo đó, KBNN đã tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (từ năm 2017 đến nay, 100% TPCP phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên). Đồng thời, KBNN triển khai nghiệp vụ hoán đổi TPCP; từ đó, kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân danh mục nợ TPCP, giãn áp lực trả nợ, cắt đỉnh nợ cho ngân sách nhà nước.

Lãi suất phát hành bình quân TPCP giảm từ mức

6,49%/năm vào năm 2016 xuống mức 2,86%/năm vào năm 2020 và còn 2,83%/năm vào cuối tháng 10/2022, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2011 – 2015 (lãi suất phát hành bình quân TPCP năm 2011 là 12%/năm và năm 2015 là 6,36%/năm), giúp giảm chi phí trả lãi của NSNN hàng năm. Đến nay, lãi suất phát hành TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam thấp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thấp hơn nhiều so với lãi suất TPCP cùng kỳ hạn của các quốc gia có hệ số tín nhiệm ở mức gần tương đương trong khu vực như Indonesia (BBB), Ấn Độ (BBB-)… (cuối tháng 9/2022, lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam là 3,56%/năm, trong khi của Indonesia là 7,40%/năm và của Ấn Độ là 7,36%/năm).

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu cho biết, việc huy động vốn thông qua phát hành TPCP đã góp phần phát triển thị trường vốn, thị trường TPCP, góp phần tạo hàng hóa và đóng góp vào sự phát triển của thị trường vốn. Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP được cải thiện một cách căn bản so với giai đoạn trước theo hướng tăng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư dài hạn như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư tài chính.

Việc giảm đáng kể tỷ trọng của các ngân hàng thương mại (NHTM) góp phần giúp thị trường trái phiếu tăng tính cạnh tranh, giảm thiểu tác động của các biến động ngắn hạn trên thị trường tiền tệ. Tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư ngắn hạn như khối các NHTM giảm dần (giai đoạn 2011 – 2015, tỷ lệ nắm giữ TPCP của khối các NHTM là trên 80%; đến năm 2021 chỉ còn 41,8% và hết tháng 9/2022 là 38,9%), đáp ứng mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14. Trên thị trường đã có sự tham gia của nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài.

Tiếp tục đa dạng các sản phẩm trái phiếu chính phủ

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu cho biết, để cải cách, hiện đại hóa công tác huy động vốn qua TPCP theo định hướng tại Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2030, KBNN sẽ tiếp tục thực hiện phát hành và quản lý danh mục TPCP chủ động, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn của NSNN với cơ cấu, kỳ hạn theo các mục tiêu của chiến lược, chương trình, kế hoạch quản lý nợ công trung, dài hạn và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm.

Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và bảo đảm các cân đối lớn; phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.

Đã phát hành tổng cộng 139.432 tỷ đồng trái phiếu chính phủ

Tính đến hết tháng 10/2022, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 139.432 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong năm, tương ứng 35% kế hoạch năm 2022 (400 nghìn tỷ đồng), kỳ hạn phát hành bình quân là 13,42 năm; kỳ hạn còn lại danh mục là 9,10 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,83%/năm.

Đặc biệt, KBNN sẽ đa dạng các sản phẩm TPCP đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư; hình thành các mã TPCP chuẩn với quy mô đủ lớn để thúc đẩy thanh khoản của thị trường TPCP, tăng khả năng huy động vốn cho NSNN và hình thành đường cong lãi suất chuẩn, hỗ trợ phát triển thị trường vốn. Điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp với nguyên tắc thị trường, định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; củng cố cơ sở nhà đầu tư theo hướng tiếp tục cải thiện tỷ trọng đầu tư TPCP của các nhà đầu tư dài hạn. Đồng thời, KBNN sẽ phát triển phương thức cung cấp dịch vụ trực tuyến qua các thiết bị di động trong lĩnh vực quản lý huy động vốn.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam