Hàng chục tỷ USD đang chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ

16:38 | 03/09/2013 Print
Số dư tiền gửi của các ngân hàng Mỹ đã sụt giảm 51 tỷ USD trong năm nay khi mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu rút tiền khỏi ngân hàng và chấp nhận các khoản đầu tư rủi ro.

Nếu xu hướng rút tiền ra khỏi ngân hàng tiếp tục, Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed) sẽ bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi mà Fed đang cố kìm lãi suất cho mục tiêu kích thích kinh tế.- Ảnh: www.bwbx.io

Số tiền này không phải là quá lớn, tuy nhiên đây là một hiện tượng đáng phải lo ngại vì đã đảo ngược lại xu thế của thị trường trong vòng 6 năm qua, làm cho các ngân hàng Mỹ phải đau đầu khi đang phải chịu áp lực cắt giảm tỷ lệ vốn vay và tăng tỷ lệ tiền mặt, theo Market Rates Insight.

Dan Geller, Phó chủ tịch Market Rates Insight dự báo, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất tiền gửi trong tương lai gần để duy trì ít nhất số dư tiền gửi hiện tại và tăng tính thanh khoản.

Trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng tài chính vào giữa năm 2007, số dư tiền gửi của hệ thống ngân hàng Mỹ tăng lên 40% từ 6.700 tỷ USD đến 9.400 tỷ USD, do các nhà đầu tư đã hốt hoảng rút tiền từ các quỹ có mức độ rủi ro cao hơn và đổ tiền vào tài khoản tiết kiệm và các quỹ thị trường tiền tệ.

Năm nay ghi dấu những sự thay đổi về các khoản đầu tư cả các nhà đầu tư nhỏ. Các quỹ tương hỗ trái phiếu của Mỹ chứng kiến dòng tiền chảy ra ngoài và quỹ đầu tư Châu Âu hưởng lợi lớn nhất lên tới 12 tỷ USD trong chỉ 2 tháng qua.

Nếu xu hướng rút tiền ra khỏi ngân hàng tiếp tục, Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed) sẽ bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi mà Fed đang cố kìm lãi suất cho mục tiêu kích thích kinh tế.

Mặc dù vậy, lãi suất đã tăng lên kể từ khi Fed có tín hiệu có thể sẽ cắt giảm 85 tỷ USD mỗi tháng cho chương trình mua trái phiếu kích thích kinh tế. Tuy nhiên, chính Fed lại không tăng lãi suất mục tiêu, làm cho việc cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng của Chính phủ có thể sẽ trở nên phức tạp hơn./.

Mai Linh (Theo CNBC)

Mai Linh (Theo CNBC)

© Thời báo Tài chính Việt Nam