Smartphone “Made in USA” đắt hơn “Made in China” 4 USD

09:21 | 03/09/2013 Print
Chiếc smartphone Moto X của Motorola, bộ phận trực thuộc tập đoàn Google, sẽ trở thành chiếc điện thoại đầu tiên được sản xuất lắp ráp tại Mỹ. Như vậy, so với iPhone hay Samsung được lắp ráp tại Trung Quốc, Moto X sẽ được đóng mác “Made in USA”.

4 USD tăng thêm cho một chiếc điện thoại không phải là vấn đề cốt yếu. Vấn đề cần phải chú ý ở đây là tốc độ làm việc và đào tạo nhân công ra sao.- Ảnh: www.bqr.com

Các chuyên gia ước tính thương hiệu “Made in USA” này làm cho chiếc điện thoại Motorola của Google đắt hơn khoảng 3,5-4 USD so với việc lắp ráp tại Trung Quốc hay một nước châu Á nào đó. Tuy nhiên, giá của Moto X vẫn rất cạnh tranh so với Samsung Galaxy S4.

Chi phí nhân công và lắp ráp Moto X được tính toán vào khoảng 12 USD/chiếc, đưa tổng chi phí lên 226 USD/chiếc, cao hơn mức 207 USD của iPhone nhưng thấp hơn mức 237 USD của Galaxy S4.

Đây thực sự là một bước ngoặt bởi việc sản xuất các thiết bị điện tử tại các nước châu Á đã trở nên quá phổ biến. Thực tế, việc sản xuất các thiết bị này tại Mỹ đã có tiền lệ. Năm ngoái, giám đốc điều hành Tim Cook của Apple cũng bất ngờ thông báo một phần dòng sản phẩm máy tính Macs sẽ được chuyển về nhà máy tại Mỹ.

Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên quá hy vọng sẽ được sử dụng nhiều sản phẩm đóng mác "Made in the USA". Chưa có ai nghĩ rằng Google sẽ có thể bán được nhiều Moto X như iPhones hay Galaxy S. Tương tự, trong 4 sản phẩm chiến lược của Apple, Macs cũng là sản phẩm được tiêu thụ ít nhất. Apple chỉ bán được 17 triệu máy tính Macs trong bốn năm vừa qua so với 138 triệu điện thoại iPhones.

Giả sử iPhones cũng được đóng mác “Made in USA”, nghĩa là mỗi một chiếc điện thoại có giá cao thêm 4 USD, tương đương tổng chi phí tăng thêm là 550 triệu USD, nó sẽ trở thành gánh nặng cho một công ty đang thu hẹp dần lợi nhuận. Con số ước tính đó là chưa kể đến chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng nội địa và chi phí đào tạo nhân công tại Mỹ.

Tuy nhiên, 4 USD tăng thêm cho một chiếc điện thoại không phải là vấn đề cốt yếu. Vấn đề cần phải chú ý ở đây là tốc độ làm việc và đào tạo nhân công ra sao.

Không giống như những nhà máy ở Mỹ, các công ty đặt tại Trung Quốc thường xây các khu tập thể cho công nhân ở ngay sát khuôn viên nhà máy để tiện cho việc sản xuất. Công nhân tại đây chịu đựng được hoàn cảnh làm việc khắc nghiệt mà hầu hết người Mỹ sẽ không chấp nhận.

Hệ thống sản xuất như vậy giúp cho các tập đoàn công nghệ có hiệu suất cần thiết để cạnh tranh với nhau. Thêm vào đó, hầu hết các nhà cung cấp đầu vào đều đóng đô tại Trung Quốc và một vài nước châu Á khác, cho phép các công ty linh hoạt hơn trong việc thay đổi thiết kế vào phút chót mà vẫn kịp giao hàng.

Ở Trung Quốc cũng có nhiều lao động chất xám hơn ở Mỹ. Apple cho biết tập đoàn này cần 30,000 kỹ sư công nghiệp để hỗ trợ cho công nhân tại các nhà máy. Con số này không thể tìm được đủ tại nước Mỹ.

Theo CNN Money, Star Tribune

Ngọc Nguyễn

Ngọc Nguyễn

© Thời báo Tài chính Việt Nam