Nhiều khó khăn với ngân hàng trong xử lý tài sản bảo đảm khi thi hành án

15:25 | 25/11/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 25/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa phối hợp Tổng Cục thi hành án tổ chức tọa đàm về khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án dân sự.

Theo nội dung chia sẻ tại tọa đàm, việc xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án được thực hiện hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Nhiều khó khăn với ngân hàng trong xử lý tài sản bảo đảm khi thi hành án
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: C.T
Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại trong hoạt động thực tế Ngân hàng Nhà nước lên tiếng thêm về SCB: Các khoản tiền gửi tại ngân hàng đều được Nhà nước đảm bảo

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự, kinh doanh thương mại đối với hoạt động ngân hàng còn tồn tại rất nhiều bất cập chưa đảm bảo quyền của chủ nợ có bảo đảm, gây rủi ro cho TCTD bên nhận bảo đảm.

Nguyên nhân chủ yếu của những bất cập hiện nay chia thành 2 nhóm chính do: (i) quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng; (ii) quá trình áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng…

Theo báo cáo đánh giá của VNBA, luật thi hành án dân sự cần quy định rõ hơn thời hạn cụ thể từ lúc thụ lý thi hành án, xác minh, kê biên, tổ chức cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản, thanh toán tiền.

Đối với nội dung liên quan đến việc quy định trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì chấp hành viên phải xác minh từ 6 tháng một lần, hoặc ít nhất 01 năm một lần, các chuyên gia tham luận cho rằng, thời gian quy định như vậy là quá lâu, việc chậm xác minh điều kiện thi hành án dẫn đến bên phải THA kịp thời tẩu tán tài sản, gây thiệt hại cho người được thi hành án.

Lúng túng với việc xử lý tài sản là phần góp vốn, cổ phần

Các chuyên gia tham luận cho biết, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý các tài sản là phần góp vốn, cổ phần, dẫn đến khi thi hành án, loại tài sản này còn nhiều quan điểm khác nhau, không thống nhất được.

Đặc thù của phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu là giá trị luôn biến động nhanh, liên tục theo thị trường dẫn đến việc định giá, kê biên gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp đã kê biên, định giá được nhưng khi xử lý do biến động thị trường giá trị tài sản có sự chênh lệch lớn ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự, dẫn đến khiếu nại làm kéo dài quá trình xử lý tài sản.

Ngoài ra, trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo này, hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thủ tục sau khi có người mua thì cơ quan nào sẽ cấp chứng nhận sở hữu cổ phần, phần vốn góp cho người mua.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam