Hà Giang: Kiên quyết không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”

16:12 | 25/11/2022 Print
(TBTCO) - Với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 31,4% tổng kế hoạch vốn năm 2022 trong 11 tháng, tỉnh Hà Giang đang đứng thứ 2 cả nước cả nước về tỷ lệ giải ngân thấp. Thời gian không còn nhiều, tỉnh Hà Giang đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiến độ giải ngân thấp không những làm giảm hiệu quả của nguồn vốn đầu tư, mà còn làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Hà Giang.

Hà Giang: Kiên quyết không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”
Hà Giang kiên quyết không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Ảnh minh họa: H.T

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, tại Chỉ thị số 22-CT/TU, ban hành ngày 22/11/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các ban quản lý dự án nghiêm túc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công. Xác định rõ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong những tháng cuối năm. Đồng thời triển khai nhanh 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, kiên quyết không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được.

Đến nay, công tác giải quyết các thủ tục hành chính, tuyên truyền, vận động, bồi thường hỗ trợ tái định cư của tỉnh Hà Giang vẫn còn nhiều bất cập, thiếu hiệu quả. Trong khi đó, năng lực và trách nhiệm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công còn nhiều hạn chế; công tác chuẩn bị đầu tư của dự án chất lượng chưa cao đã làm cho tiến độ giải ngân của tỉnh Hà Giang đã chậm lại càng chậm.

Người đứng đầu các tổ chức đảng, các địa phương, các cơ quan, ban ngành đề cao trách nhiệm, quyết liệt, chủ động, sâu sát, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ các nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn chậm của từng dự án, tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc.

Tỉnh Hà Giang cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo giải quyết công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm kịp thời, đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Khẩn trương thẩm định, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch địa phương.

Đặc biệt, tỉnh Hà Giang yêu cầu các sở, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, có chế tài xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công./.

Tô Ngọc

© Thời báo Tài chính Việt Nam