Doanh nghiệp nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để đón dòng vốn xanh

20:10 | 25/11/2022 Print
(TBTCO) - Chiều 25/11, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phối hợp với Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị quốc tế về "Tăng cường hợp tác với các Quỹ Đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước".
Vốn tư nhân vào cơ sở hạ tầng bị tắc bởi hành lang pháp lý Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đón nhận Huân chương Lao Động Hạng Nhì Tài chính xanh: Doanh nghiệp quan tâm môi trường sẽ dễ huy động vốn hơn

Nguồn vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhắc lại thời điểm năm 2021 chúng ta đều kỳ vọng vào sự phục hồi toàn diện của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Nhưng đến nay, có thể nói con đường đó đang hết sức khó khăn, nhiều chông gai và không bằng phẳng.

Các quốc gia đứng trước yêu cầu tăng cường hơn nữa năng lực thích ứng, khả năng chống chịu, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, bảo đảm các cân bằng chiến lược giữa ngắn hạn và dài hạn, đồng thời tận dụng các động lực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thu hút hiệu quả các nguồn lực cho tăng trưởng bền vững.

Nguyễn Hoàng Anh
Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh

Theo Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh là hết sức cấp thiết, song đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn cho việc triển khai các dự án thân thiện môi trường, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở... Để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho việc thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngoài nguồn lực quan trọng của các doanh nghiệp trong nước thì việc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh dẫn một tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới cho thấy, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực, vì vậy cần sự tham gia, góp sức lớn từ nguồn vốn xã hội, đặc biệt là nguồn vốn từ nước ngoài. “Nguồn đầu tư từ nước ngoài có một tính chất quyết định trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh”- ông Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.

Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trong một thế giới đầy bất ổn, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức trong việc chống biến đổi khí hậu trong khi tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và toàn diện. Báo cáo Khí hậu và Phát triển Quốc gia Việt Nam do WB công bố vừa qua cho hay, 100 triệu người Việt Nam đang nằm trong số những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước các tác động của khí hậu.

Việc cân bằng các mục tiêu phát triển và rủi ro khí hậu sẽ đòi hỏi nguồn tài chính quy mô lớn. Để đạt được trạng thái thu nhập cao vào năm 2045 trong khi xây dựng một nền kinh tế có khả năng phục hồi và tuân thủ các cam kết giảm thiểu quốc tế sẽ cần đầu tư bổ sung tương đương khoảng 7% GDP/năm. Chỉ riêng các khoản đầu tư vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đã lên tới khoảng 17 tỷ USD/năm mà chỉ riêng thị trường vốn trong nước sẽ không thể đáp ứng những nhu cầu này. Thay vào đó, cần có sự kết hợp các nguồn lực công cộng, tư nhân và ưu đãi để tạo điều kiện cho một lộ trình phát triển mới về mặt kỹ thuật và tài chính.

Hoàn thiện hành lang pháp lý để đón dòng vốn ngoại

Để thu hút các nguồn tài trợ này, theo bà Carolyn Turk, điều quan trọng là phải liên kết các cam kết về khí hậu với các dự án xanh thực chất và khả thi về mặt tài chính. Cải cách PPP (quan hệ đối tác công-tư) với sự linh hoạt hơn trong đóng góp của chính phủ và phân bổ rủi ro hợp lý cũng là rất cần thiết để cải thiện khả năng cấp vốn cho các dự án xanh và giúp mở ra tiềm năng cho khu vực tư nhân.

Đặc biệt, sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các doanh nghiệp nhà nước là cần thiết để giảm thiểu rủi ro và huy động các khoản đầu tư tư nhân quy mô lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. “Các doanh nghiệp nhà nước là động lực kinh tế chính của tăng trưởng trong nước, đồng thời họ cũng chi phối các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon nhất của đất nước. Quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng ròng bằng 0 không thể diễn ra nếu không có sự lãnh đạo của Chính phủ, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước” - đại diện WB nêu rõ.

Doanh nghiệp nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để đón dòng vốn xanh

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Tuy vậy, bà Carolyn Turk cho hay, các nhà tài trợ ODA hiện đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ tăng trưởng xanh cho Việt Nam. Ví dụ như, mặc dù có một số cơ hội để hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bằng nguồn tài chính ưu đãi, nhưng không đối tác phát triển nào ở Việt Nam có thể chuyển vốn hỗ trợ do Nghị định 114 hướng dẫn về ODA thiếu rõ ràng về thủ tục cho các công ty con thuộc sở hữu của EVN. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện chưa quan tâm đúng mức đến các thủ tục nhận sự hỗ trợ từ Quỹ Đầu tư Khí hậu (CIF) và Quỹ Khí hậu Toàn cầu (GCF).

Và cuối cùng, là trở ngại từ việc thiếu khung pháp lý cho các giải pháp mua bán carbon ở cấp quốc gia và địa phương, điều mà các thành phố như TP.HCM và Đà Nẵng rất quan tâm. “Nguồn tài chính bổ sung cho các vấn đề khí hậu có thể đến từ việc bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế. Cơ sở hạ tầng cho các hoạt động của thị trường đã có đầy đủ bao gồm cả việc đăng ký và hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định). Điều này có nghĩa là chúng ta có thể hành động ngay” - đại diện WB cho hay.

Cũng theo bà Carolyn Turk, nhiều doanh nghiệp nhà nước Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng của thị trường carbon tự nguyện quốc tế cho hoạt động đầu tư xanh rất cần thiết của họ trong những năm tới.

Kết nối doanh nghiệp nhà nước với dòng vốn xanh

Theo Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, việc tổ chức Hội nghị “Tăng cường hợp tác với các Quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tăng trưởng bền vững” được kỳ vọng sẽ là cầu nối thiết thực, hiệu quả giữa các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế với các cơ quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, cũng như với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban nói riêng để thúc đẩy hiện thực hóa các cơ hội hợp tác đầu tư – kinh doanh giữa các bên, triển khai hợp tác các dự án đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam