TIỀN ĐI ĐÂU, VỀ ĐÂU:

Thị trường chứng khoán: Áp lực từ bên bán đã suy giảm

15:21 | 27/11/2022 Print
(TBTCO) - Thị trường chứng khoán trong nước đã ghi nhận tuần thứ 2 liên tiếp diễn biến theo chiều hướng tích cực. Việc thanh khoản suy giảm có khả năng do bên bán đã suy yếu từ các áp lực bán giải chấp hay cắt lỗ.

Diễn biến có phần tương đồng với tuần liền trước, thị trường chứng khoán tuần 21 - 25/11 có 3 phiên giảm đầu tuần và phục hồi trở lại trong 2 phiên cuối tuần. Mặc dù tính biến động còn cao nhưng đã thu hẹp đáng kể do áp lực bán không còn quá mạnh như trước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận tuần thứ 2 liên tiếp diễn biến theo chiều hướng tích cực. Mặc dù điểm số chung của thị trường gần như đi ngang so với tuần trước tuy nhiên có thể thấy nhiều nhóm ngành đã đẩy mạnh được đà hồi phục.

Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 971,46 điểm, tăng nhẹ 2,13 điểm (+0,22%). Trong khi chỉ số VN30 giảm nhẹ 0,4% do diễn biến trái chiều của một số trụ cột trong rổ, thì chỉ số VNMidcap và VNSmallcap lại tăng 2,9% và 2,8%.

Thông tin có tác động giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư đến từ cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp vào ngày 23/11 do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, theo đó Bộ Tài chính sẽ đóng vai trò đầu mối và báo cáo Chính phủ để có giải pháp ổn định và lấy lại niềm tin trên thị trường vốn.

Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận tuần thứ 2 liên tiếp diễn biến theo chiều hướng tích cực. Mặc dù điểm số chung của thị trường gần như đi ngang so với tuần trước, tuy nhiên có thể thấy nhiều nhóm ngành đã đẩy mạnh được đà hồi phục như: tài chính (+1,9%), hàng tiêu dùng thiết yếu (+1,6%), công nghiệp (+3,6%), tiện tích (+1,3%).

Đặc biệt, nhóm năng lượng tăng 9,8%, vượt trội so với thị trường bất chấp giá tiếp tục lùi sâu; điều này có thể là do nhóm này đã có 5 tuần liên tục giảm mạnh trước đó. Nhóm nguyên vật liệu duy trì được tuần hồi phục thứ 2 liên tiếp với mức tăng 2,5%.

Riêng nhóm bất động sản giảm 3,6%, tuy nhiên do tác động từ áp lực bán giải chấp ở NVL và PDR, trong khi nhóm bất động sản vốn hóa thấp hơn lại có tuần hồi phục tốt.

Nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm 4,4% là nhóm diễn biến kém nhất thị trường trong tuần qua khi một loạt các mã trong nhóm như MWG, DGW, FRT, PET cùng đi xuống do triển vọng kém khả quan của ngành Hàng tiêu dùng không thiết yếu trong các quý tới.

Thị trường chứng khoán: Áp lực từ bên bán đã suy giảm
Thị trường chứng khoán: Áp lực từ bên bán đã suy giảm

Với nhóm cổ phiếu dẫn dắt, động lực hồi phục của thị trường đến từ các mã BID (+11,3%), VNM (+6,8%), GVR (+11,1%), CTG (+4,5%), PLX (+12,6%), STB (+10,5%), MBB (+3,2%), POW (+7,4%), PNJ (+6%), SHB (+5,9%), NLG (+16%), SSI (+5,2%).

Ngược lại, sự đi xuống của GAS (-8,3%), NVL (-30,1%), VCB (-4,4%), MWG (-10,3%), VHM (-2,1%), PDR (-29,7%), VIC (-0,9%), BCM (-2,7%). Có thể thấy vai trò đáng kể của nhóm ngân hàng với thị trường trong tuần vừa qua, bù đắp lại cho tác động tiêu cực từ nhóm bất động sản vốn hóa lớn.

Giá trị giao dịch (GTGD) trên HOSE đạt 9 nghìn tỷ đồng/phiên trong tuần qua, con số này sụt nhẹ so với mức 9,2 tỷ đồng ở tuần liền trước. Trên nhóm VN30, GTGD đạt 4,2 nghìn tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, nếu loại trừ giao dịch đột biến ở NVL và PDR thì thanh khoản cho thấy thu hẹp trên diện rộng.

Vùng cản kỹ thuật tiếp trên chỉ số VN-Index là khu vực 985 - 1.000 điểm, các nhà đầu tư cần lưu ý rủi ro cung sẽ gia tăng trở lại khi chỉ số tiệm cận vùng này.

Sau chuỗi các phiên vắng bên mua, GTGD ghi nhận mức 3,2 nghìn tỷ đồng trên NVL và 556 tỷ đồng trên PDR vào ngày 22/11 đã đưa thanh giá trị giao dịch nhóm bất động sản trong tuần qua tăng 75,36%. Trong khi đó, GTGD ở phần còn lại của thị trường sụt giảm đáng kể trên diện rộng như bán lẻ (-20,6%), thực phẩm & đồ uống (-20,1%), dầu khí (-30,6%), khu công nghiệp (-32,26%), ngân hàng (-30%)…

Theo đó, NVL đã góp mặt và dẫn đầu nhóm có thanh khoản cao nhất trên thị trường với tổng GTGD đạt 4,2 nghìn tỷ đồng. Một mã bất động sản khác là DIG cũng có GTGD lên mức cao 1,68 nghìn tỷ đồng. HPG (2,3 nghìn tỷ đồng), STB (2 nghìn tỷ đồng) và SSI (1,5 nghìn tỷ đồng) là 3 mã duy trì trong nhóm 5 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trên thị trường trong tuần qua.

Thị trường chứng khoán: Áp lực từ bên bán đã suy giảm
Thị trường chứng khoán: Áp lực từ bên bán đã suy giảm

Khối nhà đầu tư cá nhân giảm mạnh giá trị bán ròng về còn -1,6 nghìn tỷ đồng so với mức -7,3 nghìn tỷ đồng ở tuần trước, trong khi đó khối tổ chức mặc dù mua ròng chậm lại nhưng vẫn duy trì mức tốt +1,5 nghìn tỷ đồng ở nhóm tổ chức nước ngoài. VNM +286 tỷ đồng, FUEVFVND +248 tỷ đồng, HPG +174,5 tỷ đồng, BID +165 tỷ đồng, MSN +137,6 tỷ đồng là các mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất về giá trị.

Thị trường chứng khoán: Áp lực từ bên bán đã suy giảm
Thị trường chứng khoán: Áp lực từ bên bán đã suy giảm

Dòng vốn vào các quỹ ETF tiếp tục chậm lại, tổng giá trị vào ròng tuần qua ghi nhận mức +826,3 tỷ đồng so với mức +1,8 nghìn tỷ đồng ở tuần liền trước. Hai quỹ ETF nội là VFM VN30 ETF và VFM VNDiamond vẫn được vào ròng +129,5 tỷ đồng và +582,8 tỷ đồng. Với quỹ ETF Fubon, trong thông báo mới nhất Quỹ cho biết, Ủy ban Giám sát tài chính của Đài Loan đã chấp thuận nới trần thêm 160 triệu USD, đồng nghĩa sức mua từ quỹ Fubon ETF có thể quay lại trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán: Áp lực từ bên bán đã suy giảm

Không cải thiện nhiều về mặt điểm số, nhưng tuần qua phát đi một số tín hiệu cho thấy thị trường tạm thời lấy lại được trạng thái cân bằng. Việc thanh khoản suy giảm trên diện rộng, SSI Research nghiêng nhiều hơn về khả năng bên bán đã dừng phần lớn các hoạt động đã tạo áp lực lên thị trường trước đây như bán giải chấp, bán dừng lỗ… và có thể là phần đông nhà đầu tư cá nhân đã tin vào khả năng thị trường đã tạo đáy trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, động lực đi lên của thị trường trong ngắn hạn sẽ khá hạn chế cho đến khi có các giải pháp cụ thể hơn nhằm ổn định thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp ở tầm Chính phủ. Vùng cản kỹ thuật tiếp trên chỉ số VN-Index là khu vực 985 - 1.000 điểm, các nhà đầu tư cần lưu ý rủi ro cung sẽ gia tăng trở lại khi chỉ số tiệm cận vùng này./.

Nguyễn Lý Thu Ngà

© Thời báo Tài chính Việt Nam