Chính phủ Ấn Độ thất bại trong điều hành chính sách tài chính?

16:14 | 22/08/2013 Print
Thị trường chứng khoán Ấn Độ giảm điểm mạnh nhất trong vòng 2 năm trở lại đây trong khi lợi suất trái phiếu tăng vọt và giá trị đồng rupee đang thấp ở mức kỷ lục. Những biến động cuối tuần qua tại Ấn Độ đang khiến giới đầu tư và phân tích nghi ngờ hiệu quả chính sách điều hành kinh tế và tài chính của chính phủ.

Những biến động cuối tuần qua tại Ấn Độ đang khiến giới đầu tư và phân tích nghi ngờ hiệu quả chính sách điều hành kinh tế và tài chính của chính phủ.- Ảnh: www.perthnow.com.au

Chỉ số chứng khoán Sensex giảm 4% hôm thứ Sáu (16/8) còn đồng rupee rơi xuống 62,005 rupee/USD, mức thấp nhất trong lịch sử. Đồng ruppe đã mất 11% trong ba tháng qua, mức giảm mạnh nhất chỉ sau 15% của đồng real Brazil.

Lợi tức của trái phiếu 10 năm đáo hạn vào tháng 5/2023 tăng 39 điểm cơ bản lên 8,88%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3 tỷ USD chứng khoán và trái phiếu Ấn Độ trong tháng 7.

Cũng như Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này đang có mức tăng trưởng chậm nhất trong một thập kỷ trở lại đây và dễ bị tổn thương trước việc rút vốn của các quỹ nước ngoài.

Theo số liệu của Bloomberg, đồng rupee của Ấn Độ đã mất 26% giá trị so với đồng đô la Mỹ trong vòng hai năm qua và sự sụt giảm này gợi lại cuộc khủng hoảng đầu những năm 90, khi mà chính phủ phải nhận một khoản vay từ IMF do dự trữ ngoại tệ trong nước cạn kiệt.

“Sẽ không có khủng hoảng”

Thủ tướng Manmohan Singh cuối tuần trước đã trấn an các nhà đầu tư rằng, dự trữ ngoại hối của nước này ở mức 279 tỷ USD và đủ để giúp nền kinh tế vượt qua thời điểm được coi là khó khăn nhất trong hai thập kỷ trở lại đây.

“Không có chuyện đất nước sẽ quay lại khủng hoảng (khủng hoảng cán cân thanh toán) năm 1991,” Thủ tướng nói với hãng tin Press Trust của Ấn Độ, đề cập tới giai đoạn khủng hoảng tài chính khiến nước này phải ban hành cải cách mở cửa nền kinh tế.

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ ở mức cao, 4,8% GDP trong vòng 12 tháng cho đến tháng 3 vừa qua (mức an toàn là 2,5% GDP).

Các biện pháp nhằm kiểm soát dòng vốn ra của chính phủ và phản ứng của thị trường cuối tuần qua, làm dấy lên lo ngại một đợt tháo chạy vốn ra ngoài nước và càng làm trầm trọng thêm tình trạng dự trữ ngoại hối của nước này.

Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) đã nâng mức lãi suất cho vay các ngân hàng từ giữa tháng 7, hạn chế việc bơm tiền vào hệ thống ngân hàng và siết chặt quy định dự trữ bắt buộc hàng ngày nhằm làm giảm cung tiền.

Chính phủ cũng đã tăng thuế nhập khẩu vàng và cố gắng thu hẹp sự mất cân bằng thương mại. Cơ quan tiền tệ nước này tuần trước ra quy định cắt giảm số tiền mà các công ty Ấn Độ có thể đầu tư ra nước ngoài cũng như giới hạn số tiền mà người dân có thể chuyển ra nước ngoài từ 200.000 USD xuống còn 75.000 USD/năm.

Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách đã loại trừ khả năng ban hành thêm những quy định mới kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài.

“Chắc chắn là sẽ không có bất kỳ hạn chế nào về việc các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đổ tiền vào đây muốn rút đi bất cứ khi nào họ muốn. Trên thực tế chúng ta đang áp dụng những biện pháp nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hơn nữa,” một quan chức cấp cao nói với tờ Financial Times.

Chính phủ Ấn Độ đang xem xét các biện pháp mới nhằm làm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, bằng cách giảm nhập khẩu vàng và than đá, khởi động lại việc xuất khẩu quặng sắt đang bị đình trệ và thúc đẩy các công ty quốc doanh phát hành nợ ngoại tệ ở nước ngoài./.

Mai Hương (Tổng hợp Bloomberg/FT)

Mai Hương (Tổng hợp Bloomberg/FT)

© Thời báo Tài chính Việt Nam