Thương mại điện tử: Kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả cho thị trường miền núi

12:28 | 30/11/2022 Print
(TBTCO) - Thương mại điện tử (TMĐT) hiện đã trở thành phương thức kinh doanh mua sắm phổ biến được doanh nghiệp, người dân sử dụng. Chính phủ và các bộ, ngành cũng đặc biệt quan tâm thúc đẩy việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc và miền núi thông qua TMĐT. Đây là thị trường giàu tiềm năng có thể phát triển và khai thác trong thời gian tới.

Giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh miền núi

Đề cập đến việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua TMĐT, ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, TMĐT còn là kênh tiêu thụ hàng hóa mới mẻ đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Tuy nhiên, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã có cách tiếp cận hiệu quả, cơ hội phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa có chất lượng, mang thương hiệu Việt, qua đó khuyến khích hưởng ứng chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt, như Bắc Giang đã phát triển đặc sản quả vải được xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

Ông Phạm Công Toản - Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ nhiều chính sách để xây dựng phát triển thương hiệu và tạo ra những sản phẩm mang nét đặc trưng hàng Việt với lợi thế cạnh tranh riêng, từng bước giới thiệu sản phẩm qua TMĐT, giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, người dân.

Nguồn: Bộ Công thương
Nguồn: Bộ Công thương

Ông Phạm Công Toản phân tích, hiện Bắc Giang đã có 54 sản phẩm chủ lực đặc trưng và tiềm năng, 180 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Hầu hết các sản phẩm của Bắc Giang đều được áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như là Global GAP, VietGAP và các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Do đó cũng đã tạo được thương hiệu riêng và chiếm được một số tiêu chí về chất lượng trong niềm tin của khách hàng. Cũng chính vì điều đó đặt ra bài toán tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân cho đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương, đặc biệt là những sản phẩm mang tính chất mùa vụ cao và sản lượng lớn, điều đó cũng tạo nên áp lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, người dân, ông Toản cho hay, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ được 40 hợp tác xã và doanh nghiệp mở gian hàng tiêu thụ hàng Việt trên sàn TMĐT. Tổ chức hướng dẫn bà con ngay tại vườn cách làm hình ảnh, tiếp nhận, chốt đơn hàng, cách đóng gói, quy trình vận chuyển hàng đến tay người tiêu dùng và nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các sàn TMĐT trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, Sở Công thương Bắc Giang cũng đã nghiên cứu và xây dựng các chính sách giai đoạn 2021 - 2025 trong việc ứng dụng TMĐT.

Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang) - hợp tác xã đầu tiên của tỉnh Bắc Giang cho biết, trong thời gian dịch Covid-19, hợp tác xã đã quảng bá sản phẩm qua hệ thống sàn điện tử, như Cuccu.vn để xuất khẩu hàng nông sản sang Hoa Kỳ, Nga.

Đưa sản phẩm miền núi lên sàn thương mại điện tử

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù có nhiều thuận lợi khi đưa nông sản đặc trưng của vùng miền, vùng dân tộc thiểu số, miền núi lên sàn TMĐT, song về phía các hợp tác xã nông nghiệp vùng cao khi tiếp cận với công nghệ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng đơn hàng đặt trên các sàn TMĐT chưa nhiều; quy trình vận chuyển sản phẩm hoa quả tươi còn khó khăn; thiếu nguồn nhân lực để tư vấn, chốt đơn khi khách đặt hàng online.

Để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi qua TMĐT, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh cần phải làm bộ nhận diện thương hiệu và có sự tương tác giữa khách hàng và các đơn vị sản xuất.

Sở công thương các tỉnh miền núi là cơ quan đầu mối để dẫn dắt, định hướng cho bà con các dân tộc, các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất phát triển kinh tế số, trọng tâm là TMĐT.

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 2 con số

Hiện nay tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang ở mức độ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2021 và 2022 Việt Nam tăng khoảng 15-16% và đây là mức tăng trưởng đáng kinh ngạc của khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, hầu hết các sàn TMĐT của Việt Nam đều nằm trong Top 10 sàn lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Đây là một cơ hội rất thuận lợi cho bà con nông dân, cũng như những sản phẩm của các vùng miền đặc trưng.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, muốn lên tầm cao mới thì các sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi cũng phải đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, chất lượng. Đồng thời, để đưa sản phẩm miền núi đến với người tiêu dùng cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, TMĐT xuyên biên giới…

Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng chia sẻ, thời gian tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình TMĐT quốc gia, trong đó quan tâm đến chính sách hỗ trợ các tỉnh, địa phương vùng dân tộc, miền núi trong qua trình xây dựng thương hiệu đặc sản hàng Việt Nam đạt chuẩn OCOP, được áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như là Global GAP, VietGAP…

Song Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam